Theo Bright Side ngày 31/8, nhiều phụ huynh tin rằng nếu không kiểm soát quá trình làm bài tập về nhà của con, con sẽ học kém. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Đại học Texas tại Austin và Đại học Duke đã chứng minh điều ngược lại. Sau khi tổng hợp dữ liệu, họ nhận thấy sự giúp đỡ của phụ huynh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả và điểm số của trẻ.
Dưới đây là ba lý do khiến phụ huynh phải suy nghĩ về thói quen giúp con làm bài tập.
1. Trẻ mất động lực học tập
Theo kết quả của nghiên cứu này, phụ huynh càng tham gia nhiều vào quá trình làm bài tập của trẻ, trẻ sẽ càng ít hứng thú học tập. Khi có bố mẹ ngồi cạnh và chỉ cho phải làm những gì, kiểm soát từng bước một và thậm chí làm giúp, trẻ sẽ không có chút động lực nào. Ngược lại, những học sinh mà phụ huynh không đốc thúc quá nhiều thường có ham muốn tiếp cận những điều mới mẻ hơn.
Là phụ huynh, bạn hãy cố gắng nới lỏng dây cương, chỉ giúp khi con nhờ. Ngay cả khi được nhờ, bạn cũng chỉ nên giải thích những vấn đề trẻ không hiểu, chứ không nên làm hộ.
|
Trường hợp trẻ không chịu làm bài, nhà tâm lý học Lyudmila Petranovskaya khuyến khích phụ huynh hiểu cảm xúc của con. Chẳng hạn, bạn có thể thừa nhận rằng con có quyền không muốn chép lại một đoạn văn chán ngắt hay luyện viết một chữ cái suốt 10 dòng liên tiếp.
Sau đó, bạn hãy dạy con rằng nếu con làm việc khó trước việc dễ, năng suất trong ngày sẽ tốt hơn và cũng không phải chịu áp lực khi canh cánh trong lòng về một nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bạn cũng có thể chia sẻ phương pháp riêng thường sử dụng để hoàn thành các nhiệm vụ không mong muốn.
2. Trẻ không biết chịu trách nhiệm
Bắt con làm bài tập về nhà, kiểm soát quá trình và trừng phạt khi bị điểm kém, bạn sẽ trở thành người chịu trách nhiệm với chuyện học hành của con. Một khi bạn kiểm soát, trẻ sẽ không xem đó là việc của cá nhân mà chỉ học cho bố mẹ.
|
Theo Lyudmila Petranovskaya, bạn nên nhắc đến những hậu quả của từng việc và để con chủ động lựa chọn: "Con đã làm bài tập về nhà chưa? Hãy tự giải thích với cô giáo nhé". Khả năng tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình rất quan trọng và nên được bố mẹ chú ý rèn giữa cho con từ khi còn nhỏ.
3. Mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ bị phá hỏng
Trước đây, người ta thường đùa nhau: “Bài tập về nhà đã xong. Mẹ khản cả tiếng. Con gái nghe quát tháo đến inh tai. Hàng xóm thuộc bài thơ nằm lòng". Tuy nhiên, khi xét trong bối cảnh thực tế, đó không phải là một câu chuyện cười, ngược lại có thể phá hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Thay vì kiểm soát từng nhiệm vụ, các nhà tâm lý học khuyên bạn xây dựng mối quan hệ với con dựa trên sự tin tưởng, dành nhiều thời gian bên nhau. Mỗi tối, khi có thời gian, bạn có thể đọc to sách khi ngồi cùng con, thảo luận những sự kiện đang xảy ra trên thế giới, bàn về những hiện tượng khoa học kỳ thú, lên lịch cho một hoạt động thú vị nào đó vào cuối tuần để kích thích sự ham học của trẻ.
|
Nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ điểm nào khác ngoài A, hãy tự hỏi bản thân tại sao lại quá đặt nặng vấn đề này. Trẻ thường không cảm thấy được yêu thương khi phải sống trong một gia đình mà một con điểm xấu có thể thay đổi cách đối xử của mọi người dành cho chúng.
Theo các nhà tâm lý học, việc học tập là nhiệm vụ cá nhân của trẻ, trong khi nhiệm vụ cá nhân của bố mẹ là yêu thương con cái vô điều kiện, bởi tình yêu quan trọng hơn điểm số.
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress