Giáo dục

An toàn thực phẩm bữa ăn bán trú: Công khai thực đơn lên mạng

Từ vụ ngộ độc tại Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội), ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú trong trường học, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào trường học trong thời gian tới cần phải siết chặt hơn nữa.

Nhiều giải pháp đưa ra để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường học.

Sẽ xét nghiệm miễn phí thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo

Theo ông Kiều Cao Trinh- Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GDĐT Hà Nội), năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường học, trong đó mầm non có 1.108 trường, tiểu học 737 trường, THCS 623 trường và 221 trường THPT, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 1.986.809 triệu học sinh và trên 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Toàn TP có 1.685 trường tổ chức ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 63%. Trong đó có 1.074 trường mầm non, 456 trường tiểu học, 126 trường THCS, 29 trường THPT với 3 hình thức bếp ăn là: tự nấu, thuê nấu tại trường và thuê cung cấp suất ăn.

Hàng ngày các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP phục vụ trung bình là trên 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1- 4 bữa trong ngày, tùy theo từng trường.

Để bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội, ông Trinh cho biết cần nhận thức, trách nhiệm của Ban giám hiệu các nhà trường, thầy, cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh về ATTP... Cùng với đó là sự phối hợp giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo ATTP. Chủ động công khai thực đơn thực phẩm trên website hoặc Cổng thông tin điện tử của trường, công khai các đơn vị được lựa chọn cung ứng thực phẩm.

Về vấn đề công khai thực đơn thực phẩm lên mạng, ông Lê Hồng Vũ- Trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, quận Tây Hồ đã xây dựng định lượng khẩu phần ăn cho các lứa tuổi học sinh và đưa vào phần mềm áp dụng. Các trường lúc đầu cũng khó chịu, nhưng quận đã quyết tâm đưa vào phần mềm định lượng khẩu phần ăn vào các trường học, đến nay đã đảm bảo và thực hiện ổn định. Đến 9 giờ sáng hàng ngày các thông tin định lượng bữa ăn được đưa lên mạng để nhà trường và phụ huynh kiểm soát. Những phụ huynh nào quan tâm có thể đến tận nơi kiểm tra.

Ông Nguyễn Ngọc Tụ- Chi cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, tại mỗi quận huyện đều đã rà soát hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm và các suất ăn cho nhà trường, sau rà soát đều có kiểm tra thực tế. Về phía nhà trường có thể kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào. Nếu cơ sở không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, chế biến ban đầu thì phải dừng hợp đồng ngay lập tức.

“Bất kỳ thực phẩm nào mà các trường nghi ngờ đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP sẽ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho đơn vị. Trong thực đơn, chúng ta cũng nên khuyến cáo các món ăn hạn chế nguy cơ ngộ độc. Ví dụ như món bánh dày, bánh ngọt có kem, nộm…hạn chế sử dụng”- ông Tụ cho biết.

Đồng thời lưu ý không nên để các gia đình mang bánh ngọt đến trường để tổ chức sinh nhật cho các cháu, bởi nhà trường không thể kiểm soát được bánh đó như thế nào. Nếu xảy ra ngộ độc tại trường thì nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp bánh ngọt Nguyên Cát trong vụ ngộ độc tại trường mầm non Xuân Nộn vừa qua, kiểm tra cơ sở không đảm bảo vệ sinh nên việc xảy ra ngộ độc là điều dễ hiểu.

Đảm bảo dinh dưỡng

Theo ông Cao Kiều Trinh, giá thành suất ăn cho học sinh được UBND các quận, huyện xây dựng hàng năm dựa trên thực đơn khẩu phần ăn từng cấp học và mặt bằng giá cả thực phẩm tại địa phương.

Về khẩu phần ăn cấp học mầm non đã được Viện dinh dưỡng tính toán và hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, bộ thực đơn với 40 thực đơn cho 8 tuần không lặp lại, đảm bảo đa dạng thực phẩm cân bằng dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm sẵn có tại địa phương; với mức ăn từ 20.000đ/ngày dành cho cấp tiểu học là một nỗ lực lớn của các đơn vị.

Về phía đơn vị, ông Vũ cho biết, trong năm học 2017 - 2018 giá thực phẩm tăng rất mạnh, các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm. Địa phương đã họp với các đơn vị cung cấp thức ăn và thống nhất lại với nhà trường, phụ huynh học sinh. Giá được điều chỉnh 1 năm một lần.

Bà Lê Thị Thúy Hồng- Phó trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lâm cho rằng có một khó khăn là trên thực tế, báo giá tiền thực phẩm trong 1 năm thì cố định, còn giá thực phẩm trên thị trường thực tế lại lên xuống theo mùa. Huyện Gia Lâm đã có văn bản cho các trường mầm non, giá suất ăn trung bình 15nghìn đồng/1 ngày, so với các huyện nội thành là thấp. Bà Hồng kiến nghị các đơn vị cung cấp nên chủ động làm việc với nhà trường về giá thành để lên thực đơn phù hợp theo mùa, đảm bảo tỉ lệ dinh dưỡng, calo cho các cháu.

* “Các trường học cần phải chú trọng đến cơ sở vật chất tại các bếp ăn trường học. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh...” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết.

Tác giả: Lam Nhi

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

  Từ khóa: bán trú , bữa ăn , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP