Trong nước

3 nút thắt lớn giao thông miền Tây cần tháo gỡ

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trải qua 10 năm, hai lần khởi công, nhiều lần khởi động rồi ngưng thi công, nay vẫn chưa xong.

Vì vậy, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định sử dụng vốn ngân sách giải cứu công trình trọng điểm này, yêu cầu hoàn thành vào cuối năm 2020 đã thắp lên hy vọng cho người dân đồng bằng.

Nhưng đây chỉ là một trong nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ bằng giải pháp khả thi và quyết tâm mạnh mẽ. Bởi hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của vùng ĐBSCL, thời gian qua được quan tâm đầu tư tạo diện mạo mới. Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển thì “giao thông đi trước mở đường” của vùng này vẫn đang vướng các điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Ba nút thắt lớn đó là thiếu vốn, thi công công trình chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ theo kiểu ngắt khúc.

Cụ thể, mạng lưới giao thông đường bộ của ĐBSCL được hình thành với sáu tuyến trục dọc và chín tuyến trục ngang nhưng còn nhiều dự án, các trục ngang kết nối nội vùng chưa hoàn chỉnh. Tình trạng khá phổ biến là đường chờ cầu tải trọng yếu hay cầu phải chờ đường chưa thông tuyến, đường lớn chờ đường nhỏ kết nối mới phát huy tác dụng diễn ra phổ biến, giao thông thủy bị vướng tĩnh không cầu trên đường bộ.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau hơn 10 năm mới triển khai được 15%. Ảnh: Đông Hà

Giao thông đường bộ đang bị các điểm nghẽn cổ chai do các công trình đầu tư kết nối chậm tiến độ, tạo ra các nút thắt cổ chai ở các điểm huyết mạch. Điển hình như đoạn Trung Lương trên tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương và QL1, cầu Rạch Miễu nối QL1 về Bến Tre, Trà Vinh và tuyến ven biển Đông, nút thắt trên tuyến N2 từ Chơn Thành - Bình Phước đến mũi Cà Mau.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm của vùng phải chịu cảnh ngắt khúc một khoảng cách 10 năm. Cầu Mỹ Thuận hoàn thành năm 2000, cầu Rạch Miễu khánh thành năm 2009, đến năm 2010 tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương và cầu Cần Thơ mới được đưa vào sử dụng.

Dự án trọng điểm cao tốc Bến Lức - Long Thành được kỳ vọng nối liền Đông-Tây sau nhiều lần tăng tốc vẫn còn dang dở. Cầu Vàm Cống đến nay chưa xây xong, khả năng hoàn thành trong năm nay nhưng cũng đang đứng trước tình trạng nghẽn mạch do các dự án đầu tư kết nối tuyến QL30, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chưa hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng.

Không chỉ vướng các nút thắt ở tuyến dọc mà hệ thống đường ngang kết nối cũng chưa có lối ra. QL30 (Tiền Giang - Đồng Tháp), QL53 (Vĩnh Long - Trà Vinh), QL54 (Vĩnh Long - Đồng Tháp), QL57 (Vĩnh Long - Bến Tre), QL61B (Hậu Giang - Sóc Trăng), QL63 (Kiên Giang - Cà Mau)… đều là QL nhưng đường hẹp, cầu yếu, có nơi thua cả đường nông thôn.

Các điểm nghẽn không chỉ ở đường bộ mà còn đang vướng ở giao thông thủy và hàng không. Hai nút thắt cổ chai lớn của giao thông thủy chính là luồng vận tải cho tàu biển lớn 20.000 tấn ra vào sông Hậu và nạo vét tuyến đường thủy huyết mạch kênh chợ Gạo nối ĐBSCL với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài sân bay Phú Quốc mở được khá nhiều tuyến bay thì sân bay quốc tế Cần Thơ vẫn chưa được vận hành quá 30% công suất. Các sân bay Rạch Giá, Cà Mau thì trong tình trạng đìu hiu.

Thiếu vốn đầu tư giao thông cho ĐBSCL, thi công chậm và đầu tư thiếu đồng bộ là các điểm nghẽn hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã được nhận diện từ nhiều năm qua nhưng chậm được cải thiện. Thực tiễn đang đòi hỏi các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương phải tập trung tháo gỡ để giao thông phát huy vai trò đi trước mở đường.

Nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng nhưng quyết tâm và có giải pháp mạnh mẽ, khả thi để tháo điểm nghẽn giao thông đồng bằng. Không để tái diễn cảnh hàng vạn người dân chen chúc nhau trên cung đường độc đạo chính là mệnh lệnh phát triển đồng bằng.

Cuối năm 2020 phải xong Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Văn phòng Chính phủ mới đây thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vướng mắc đối với dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng yêu cầu sử dụng vốn ngân sách tháo gỡ khó khăn cho dự án để thời gian thu phí không quá 15 năm. Cao tốc phải được thông tuyến vào cuối năm 2020, đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài 51 km, đi qua năm huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho QL1A, được hàng triệu người dân miền Tây chờ đợi. Khởi động lại từ năm 2015, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay mới chỉ đạt 15% khối lượng thi công.

Để miền Tây không bị tụt hậu

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng để ĐBSCL không bị tụt hậu so với các vùng trên cả nước cần phải có một chiến lược tăng cường kết nối hệ thống GTVT các địa phương trong vùng.

“Phát huy lợi thế về đường thủy nội địa và đường biển sẵn có để khơi thông, phát triển hệ thống GTVT trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp như hiện nay” - ông Thể nhấn mạnh.

Tác giả: TS TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP