Người ta gọi xóm Dặt (xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) là “vương quốc đàn bà” hay mảnh đất kỵ đàn ông bởi một sự thật đau đớn là mấy năm gần đây, không hiểu vì sao cánh đàn ông, con trai của xóm nghèo này cứ lần lượt kéo nhau lìa bỏ cõi trần.
Vắng bóng đàn ông, xóm nghèo thêm quạnh quẽ. Thương nhất vẫn là khi có việc lớn công to, cần sức lực đàn ông thì ở đây chỉ có đàn bà nai lưng gánh vác…
Nỗi buồn cô phụ
Trước đây, xóm Dặt là nơi sinh sống của đồng bào người Mường. Sau này, khi đường sá thuận tiện hơn đã có thêm vài hộ người Kinh lên mở đất xây dựng kinh tế. Tìm hiểu chuyện đau buồn và khó tin này, chúng tôi đã tìm gặp bà Hoàng Thị Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của xóm khi bà vừa đi rừng về. Mồ hôi nhễ nhại, bà bảo, phụ nữ ở xóm làm việc nặng quen rồi, bởi thế việc rừng việc rú như bà cũng chẳng có gì gọi là vất vả.
Nhắc đến chuyện cánh đàn ông ở xóm chẳng hiểu vì lẽ gì mà cứ lũ lượt bỏ vợ, bỏ con, bỏ cuộc sống dương thế mà đi, đang nói cười xởi lởi, bà bỗng trầm tư nét mặt. “Chuyện này làm xóm tôi nổi tiếng khắp huyện đấy, chẳng biết thế nào nữa các chú ạ! Giờ chỉ biết đổ tại số phận thôi!”, não nề, bà Tuấn nói.
Vắng bóng đàn ông, xóm nghèo thêm quạnh quẽ. Thương nhất vẫn là khi có việc lớn công to, cần sức lực đàn ông thì ở đây chỉ có đàn bà nai lưng gánh vác…
Nỗi buồn cô phụ
Trước đây, xóm Dặt là nơi sinh sống của đồng bào người Mường. Sau này, khi đường sá thuận tiện hơn đã có thêm vài hộ người Kinh lên mở đất xây dựng kinh tế. Tìm hiểu chuyện đau buồn và khó tin này, chúng tôi đã tìm gặp bà Hoàng Thị Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của xóm khi bà vừa đi rừng về. Mồ hôi nhễ nhại, bà bảo, phụ nữ ở xóm làm việc nặng quen rồi, bởi thế việc rừng việc rú như bà cũng chẳng có gì gọi là vất vả.
Nhắc đến chuyện cánh đàn ông ở xóm chẳng hiểu vì lẽ gì mà cứ lũ lượt bỏ vợ, bỏ con, bỏ cuộc sống dương thế mà đi, đang nói cười xởi lởi, bà bỗng trầm tư nét mặt. “Chuyện này làm xóm tôi nổi tiếng khắp huyện đấy, chẳng biết thế nào nữa các chú ạ! Giờ chỉ biết đổ tại số phận thôi!”, não nề, bà Tuấn nói.
Bà Hoàng Thị Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Dặt kể lại những chuyện tai ương xảy ra trong xóm
Theo bà Tuấn thì đúng như thông tin mà chúng tôi có được, xóm Dặt có 68 hộ dân thì có tới 25 nóc nhà chị em phải đứng ra gánh vác việc gia đình. Bấm ngón tay nhẩm tính, bà Tuấn bảo, trong số những hộ sống đơn thân đó, chỉ có 5 trường hợp là cuộc sống vợ chồng cơm không lành, canh chẳng ngọt phải bỏ nhau, số còn lại thì đều do người chồng vắn số.
“Toàn chết trẻ thôi các chú ạ, chỉ ở độ tuổi dưới 50 thôi!”, bà Tuấn thảng thốt. Theo người cán bộ nhiều năm lăn lộn với công tác phụ nữ này thì ở xóm nghèo này, đàn ông chết bệnh có, chết do tai nạn giao thông cũng có nhưng cũng có nhiều người chết rất lạ lùng khiến dân làng sợ hãi.
Trước việc đàn ông con trai ở xóm cứ lũ lượt kéo nhau về bên kia thế giới, có người đã bảo, tử thần đã điểm mặt chỉ tên nên tránh thế nào cũng không thoát được.
Bà Tuấn làm công tác phụ nữ đã hơn chục năm nay. Chồng bà cũng mới được dân tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Nói về nhiệm vụ mới của chồng mình, bà bảo, trước đây, đã mấy lần dân bầu nhưng chồng bà đều thoái thác chẳng phải do ông không nhiệt tình với công tác xã hội mà bởi kinh tế gia đình chỉ cho phép một người theo nghiệp “vác tù hàng tổng”.
Thế nhưng, như đã nói, bởi đàn ông ở xóm chẳng có nhiều nên lần này, ông không từ chối được. Mấy năm nay, công việc của bà có phần nặng nề hơn. Ngoài việc nắm bắt, phổ biến đến chị em những chính sách, chủ trương của hội, bà còn phải tranh thủ thời gian để thăm hỏi, động viên những chị em không may mắn khi mất đi chỗ dựa của đời mình.
“Nhà vắng đàn ông buồn lắm các chú à, sớm tối chị em cứ lủi thủi một mình, vào ra lặng lẽ. Cùng phận đàn bà, tôi cũng chỉ biết động viên mọi người chứ cũng chả biết làm gì hơn được! Những ngày bình thường thì còn đỡ chứ thương nhất là khi gia đình có việc. Không có đàn ông, chị em cứ như gà mắc tóc, luẩn quẩn chẳng biết làm gì. Đấy, như mấy năm gần đây ấy, xóm có đám tang, đến cả việc đào huyệt, khênh ma cũng phải nhờ đến chị em, khổ không để đâu cho hết!”, giấu tiếng thở dài, bà Tuấn nói giọng đầy chua xót.
Ngó đâu cũng thấy một màu tang thương
Để chúng tôi cảm nhận rõ hơn nỗi vất vả, bi thương của chị em phụ nữ đơn thân trong xóm, giao lại việc cơm nước cho chồng, bà Tuấn tất tả dẫn chúng tôi đi thăm hỏi những gia đình có cảnh ngộ éo le mà theo bà thì nghe chuyện của họ chẳng ai là không rơi nước mắt.
Địa chỉ đầu tiên bà Tuấn dẫn chúng tôi đến là gia đình bà Hà Thị Chuyền, nhà ngay giữa xóm. Tuy nằm ở ngay “trung tâm” nhưng nhà bà Chuyền vắng hoe. Dù đã điện thoại hẹn trước nhưng bà Tuấn phải gọi mấy lần mới thấy bà Chuyền uể oải ra mở cửa. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng khi bước vào căn nhà trống huơ trống hoác đó chúng tôi đã không khỏi rùng mình. Trên ban thờ, hai tấm ảnh ôm lấy những bát hương tua tủa.
Bà Hà Thị Chuyền thắp nhang cầu mong chồng, con phù hộ cho những người còn lại của gia đình được bình yên, khỏe mạnh
Rót nước mời khách xong, bà Chuyền ôm đứa cháu ngồi chờ đợi chúng tôi bắt đầu câu chuyện. Thế nhưng, việc ấy quả thật khó khăn. Tang thương đã ập xuống và ngự trị trong ngôi nhà bé nhỏ của bà mấy năm nay nên dù có khéo léo, vòng vo thế nào đi chăng nữa thì câu chuyện của chúng tôi cũng khiến nỗi đau đớn mà bà muốn quên, muốn chôn vùi đó “sống dậy”.
Như biết chẳng thế nào lẩn tránh được, ngước lên ban thờ, ngân ngấn nước mắt, bà Chuyền bảo: “Đấy các anh xem, đi vắng thì còn đỡ chứ về nhà, nhìn lên ban thờ, thấy toàn ảnh là ảnh, chẳng biết để đâu cho hết buồn, hết tủi nữa!”. Nói đến đó thì giọng bà nghẹn lại. Nước mắt cứ thế túa ra chẳng thể nào ngăn được. Thấy bà khóc, đứa bé gái đang ngồi trong lòng bà mắt tròn mắt dẹt. Có lẽ nó ngạc nhiên, không hiểu vì sao bà mình bỗng dưng lại khóc. Tuổi nó chưa biết, chưa hiểu nỗi đau đớn mà bà mình đang đêm ngày mỏi mòn gánh chịu.
Bà Chuyền kể, chỉ vài năm trước thôi, ở xóm nghèo hiu hắt này, gia đình bà vẫn ăm ắp tiếng cười. Khi ấy, ông làm cán bộ ở xóm, sớm hôm quây quần bên vợ bên con. Hai cậu con trai của bà chăm ngoan, chuyên cần đèn sách. Thế nhưng, số phận xoay đổi, bà Chuyền bảo, dù có chiêm bao ác mộng, bà cũng chẳng thể ngờ gia đình mình lại rơi vào cảnh ngộ đớn đau, bi thương đến vậy.
“Nỗi đau cứ thình lình đến với gia đình tôi anh ạ! Giả sử chồng, con tôi ốm đau rồi mất đã đi một nhẽ, đằng này thì cứ bất ngờ. Báo tin buồn ấy cho mọi người ở xa, có người còn chẳng tin đó là thật nữa!”, gạt nước mắt, bà Chuyền hoảng hốt kể.
Theo bà Chuyền thì tai ương bắt đầu tìm tới nhà bà từ năm 2006. Bà có con trai học ở thành phố Việt Trì. Hôm ấy, cuối tuần, nghĩ con trai mình thế nào cũng về thăm như thường lệ nên ngay từ sớm bà chuẩn bị mấy món tươi để đón con. Khi mâm cơm đã bày ra tươm tất, chẳng thấy con đâu, bà ra cửa ngóng.
Những chuyến xe khách cứ liên tiếp vụt qua, bà bỗng thấy ruột gan mình như lửa đốt. Những tuần trước, thể nào con bà cũng bước xuống từ một trong số những chuyến xe quen thuộc đó, vậy mà lần này càng trông lại càng mất mặt. “Hay là bận việc gì nó đã không về nữa? Không thể nào, hôm trước, điện thoại rõ ràng nó còn bảo tuần này sẽ về cơ mà!”, sốt ruột, bà vào ra lẩm nhẩm. Mâm cơm nguội ngắt, xem xong thời sự, chồng bà, ông Hà Thanh Yên, giục cả nhà ăn cơm. Không thể chờ thêm, bà miễn cưỡng ngồi vào mâm nhưng chẳng thể nào nuốt nổi.
Chưa ăn hết bát cơm thì chuông điện thoại nhà bà réo vang. Tưởng là con mình gọi về, nào ngờ đó là cú điện thoại thông báo tin dữ. Nghe được vài giây, ú ớ vài tiếng rồi bà ngất lịm. Người ở đầu máy bên kia thông báo cho gia đình bà biết, con trai bà bị tai nạn xe máy rất nặng, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện huyện.
Ngay sau khi nhận được hung tin đó, chồng bà và mấy người thân trong ra đình tức tốc xuống viện. Tuy nhiên, khi mọi người tới nơi thì cũng đã quá muộn. Con trai bà đã đi mà chẳng trăng trối điều gì. Chua xót, bà Chuyền bảo: “Con tôi số nó thế các anh ạ, có tránh cũng chẳng được đâu! Ở xóm này nhiều người thế vậy lắm, trời không cho sống thì phải chấp nhận thôi!”.
Theo người đàn bà khốn khổ này thì hôm ấy, khi về quê, chẳng hiểu thế nào xe khách chở con trai bà lại dừng ở phố huyện. Đang lang thang tìm cách về nhà thì lại gặp anh bạn thân. Lâu ngày gặp lại, cậu bạn đó đã rủ con trai bà về nhà ăn tối và hứa khi ăn xong sẽ lấy xe máy đèo về.
Tuy nhớ nhà, tuy biết bố mẹ chờ cơm nhưng nể bạn, con trai bà đã nhận lời. Cánh thanh niên hội ngộ là phải có rượu. Thế nên, ăn nhậu xong, phây phây rượu, cậu bạn kia đã lấy xe máy, rồi rủ thêm một bạn nhậu nữa, “kẹp ba” đưa con trai bà về. Vừa đi được một đoạn, gặp chiếc công nông “chột mắt”, chẳng kịp tránh nên tai nạn khủng khiếp đã xảy ra. “Không chỉ con tôi thiệt mạng đâu, hai đứa ngồi xe cùng nó cũng chết bất đắc kỳ tử ngay tối đó đấy! Thương tâm lắm!”, bà Chuyền xúc động nhớ lại.
Con trai mất, bà Chuyền gật gù sống như cây mắc hạn. Thương vợ, chồng bà, ông Yên bớt việc xã hội, năng ở nhà hơn để chăm sóc vợ con. Những tưởng đau đớn thế là quá đủ, nào ngờ tạo hóa trêu ngươi, số phận cười cợt lại bắt bà phải chết đi sống lại bởi tai soi, họa chiếu.
Hôm ấy ngày nghỉ, ông Yên khoác dao ra vườn rừng ngay gần nhà để chặt cây. Chẳng là một hộ ở gần đó xây nhà cần cọc trống nên mấy lần sang nhà bà hỏi mua. Bà Chuyền kể, thấy chồng và cậu con nuôi khoác dao đi, bà cũng xuống bếp để lúi húi với những việc vặt trong nhà. Chừng hơn giờ đồng hồ sau, thấy anh con nuôi hớt hải bổ về, chưa cần biết chuyện gì bà đã thấy chân tay mình bủn rủn. “Bố bị làm sao ấy mẹ à! Mẹ gọi người đưa bố đi cấp cứu ngay!”. Nghe cậu con nuôi nói vậy, bà ngã vật ra đất lịm đi.
Dân trong xóm xúm lại đưa ông Yên đi viện, thế nhưng, chưa đến nơi thì ông đã ngừng thở. Nghe cậu con nuôi kể lại thì đang đốn cây, ông Yên kêu mệt, tìm nơi bóng mát để nghỉ. Nghĩ bố nuôi mình lâu không làm việc nặng nên mệt qua quýt vậy thôi nên anh cũng chẳng bận tâm. Thế nhưng, làm một hồi vẫn thấy ông Yên tựa lưng vào gốc cây, chẳng động cựa gì, thấy lạ anh lớn tiếng gọi. Những tiếng thất thanh đó đã rơi tõm vào khoảng không tĩnh lặng. Hoảng hốt, anh bổ đến, tuy nhiên, thân thể ông Yên đã lạnh ngắt, tay chân tím tái.
Bà Chuyền bảo, thêm một chiếc khăn tang nữa trên đầu, bà chẳng còn thiết sống. “Nói dại, mấy lần tôi định đi theo ông ấy, nhưng nghĩ đến đứa con còn lại nên đành phải vật vã tồn tại thôi!”, quệt ngang nước mắt, bà thổn thức.
Nỗi đau mất chồng, mất con còn đang choáng váng thì đúng nửa năm sau, bà lại có thêm cái tang nữa. Thương con, thương cháu, bố chồng bà đã đổ bệnh rồi trút hơi thở cuối cùng.
Bà Chuyền kể, trước đây bà chẳng tin chuyện bói toán, thần thánh nhưng trước tai ương mà gia đình mình liên tục mắc phải, bà đã lặn lội nhiều nơi để tìm thầy giải hạn. Tuy nhiên, việc làm đó càng khiến bà thêm phần lo lắng. Thầy nào cũng tăm tắp phán rằng, đất của xóm bị động nặng, không cách nào cứu được. Thế nên, không riêng gì gia đình bà mà các nhà khác, tai họa sẽ lần lượt tìm đến.
Ngẫm lại những lời ấy, bà thấy có nhiều phần chính xác. Ở xóm này hầu như nhà nào cũng có chuyện. Không có người thiệt mạng thì cuộc sống cũng đầy rẫy những sóng gió, khổ đau…
Đau đớn những người không còn nơi nương tựa
Cách nhà bà Chuyền không xa là ngôi nhà lá lụp xụp của bà Hà Thị Vết. Bà Vết năm nay vừa tròn 60 tuổi, thế nhưng trông bà già hơn tuổi rất nhiều. Bà đi lại chậm chạp, nói năng cũng chẳng thành tiếng, thành hơi. Giống như cảnh ngộ bà Chuyền, chỉ độ 5 năm nay, bà Vết bỗng dưng mất hẳn chỗ dựa đời mình. Chồng bà đang khỏe mạnh bỗng dưng vướng chứng nan y, sống lay lắt được vài tháng thì trở về cát bụi.
Bà có 3 người con nhưng chỉ có một trai. Nghĩ ông mất đi thì cậu trai ấy sẽ là chỗ dựa khi lưng còng, chân mỏi. Thế nhưng, niềm hi vọng ấy đã nhanh chóng vụt tan, hóa thành nỗi đớn đau khôn xiết khi cách đây đúng 1 năm, cậu trai duy nhất ấy cũng vướng phải bệnh hiểm nghèo và theo cha mình về bên kia thế giới.
Bà Vết
Chồng mất, con trai duy nhất mất, bà Vết bảo, đời bà như vậy cũng đã là… xong. Sau hai nỗi đau khiến bà như đến chết đi sống lại ấy, bà thấy mình chẳng khác nào lá vàng đung đưa trước gió.
“Tôi giờ nhiều bệnh lắm các anh ạ, thôi trời cho sống được ngày nào thì hay ngày ấy thôi. Mà tôi cũng chẳng muốn sống lâu làm gì cho thêm phần đau khổ. Ngày thằng bé mất, tôi nghĩ đời tôi như thế là cũng khép lại rồi’, đưa mắt xa xăm, bà Vết thẫn thờ buột miệng.
Dẫn chúng tôi đi thực tế liền lúc mấy nhà, dù đã quá quen nhưng xem chừng bà Tuấn có phần mỏi mệt. “Đấy các chú xem, nhà nào nhà ấy đều thê thảm thế, ngó quanh chẳng thấy tương lai đâu, buồn lắm!”. Trời hè chang chang nắng, biết có đi thêm cũng chỉ thêm buồn rầu, bi thiết, chúng tôi cùng bà Tuấn trở lại nhà.
Quạt phành phạch bà bảo, những gia đình chúng tôi tới thăm còn đỡ chứ nhiều nhà cảnh ngộ còn bi đát, kinh hoàng hơn gấp bội. Nhiều nhà dù biết rõ mười mươi nhưng đến thăm lần nào bà cũng thấy mắt mình cay xè, thương cảm.
Trong số ấy thương tâm nhất là gia cảnh của chị Hà Thị Phương, (SN 1983) có chồng là anh Đinh Văn Liêm. Theo bà Tuấn thì chấp nhận lấy anh Liêm, chị Phương đã “tự nguyện” gánh lên mình vô vàn gánh nặng. Ông nội của chồng, bố mẹ chồng người thì già yếu, người thì bệnh tật không còn sức lao động. Lấy nhau vài năm, hai đứa con thơ lần lượt gia đời khiến cảnh nhà càng thêm phần túng quẫn. Những tưởng cứ chịu thương chịu khó thì đất trời chẳng phụ, nào ngờ… Năm ngoái, anh Liêm đi quăng chài ở sông, chẳng hiểu cảm cúm thế nào mà gục chết ngay bờ. Giờ gánh nặng gia đình chỉ còn duy nhất chị Phương gánh vác.
Đã quá trưa mà câu chuyện của bà Tuấn về những cảnh ngộ thương tâm ở xóm vẫn còn ngồn ngộn. Nhà nào cũng phủ đầy một màu tang tóc, cảnh ngộ nào cũng chỉ một nỗi ảm đạm, xót thương. Nào người chết bệnh, nào người chết tai nạn giao thông, nào người đang khỏe mạnh bỗng dưng đột tử…
Chính bởi sự tang tóc, tiêu điều đó mà thời gian gần đây, nhiều chị em đã bỏ xứ, tìm nguồn sống, nguồn vui nơi khác. “Họ đi làm ăn ở đâu ấy các chú à. Hình như là về thành phố, xuống Hà Nội. Đấy, chi hội của tôi có mấy chục hội viên nhưng nhiều khi có việc, họp hành thì thấy vắng hoe vắng hắt. Tôi cũng đã mấy lần bị nhắc nhở vì không quản lý được chị em, để hộ xuống thành phố làm những nghề… nhạy cảm. Thôi, biết làm thế nào được, cảnh ngộ người ta thế, mình cũng chỉ biết khuyên nhủ chứ chẳng thể làm gì khác được!”, bà Tuấn giãi bày.
Lỗi tại… thánh thần!?
Theo bà Tuấn thì xóm bà được mọi người gọi là “vương quốc đàn bà” chỉ cách đây có vài năm, cụ thể là từ năm 2009, khi một loạt đàn ông bỗng dưng rủ nhau… từ biệt cõi đời. Có nhà cả bố và con trai cùng chết, thậm chí, có nhà chết liền lúc mấy mạng người.
Dẫu biết ai… được “thần chết” gọi đi thì đều có nguyên nhân, thế nhưng, những cái chết đến dồn dập, liên tục đã khiến người dân trong xóm hoảng hốt. Và, khi ấy, theo bà Tuấn, chẳng biết bấu víu vào đâu, nhiều người đã phải trao niềm tin của mình cho… thần thánh.
Đi xem bói mấy nơi, các thầy đều phán, sở dĩ đàn ông, con trai xóm Dặt liên tục tìm về cõi chết là bởi xóm đã động đến “thánh thần” nên bị “ngài” ra tay… “bắt phạt”. Trao đổi với chúng tôi, bà Tuấn thừa nhận bây giờ do bấn loạn nên người dân đã rất tin vào chuyện có phần nhảm nhí, mê muội này.
Ông Tường cho rằng việc đàn ông, con trai trong xóm chết là do dân đào đất ở gò Thờ
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết những người dân ở xóm Dặt đều cho rằng tai họa ập xuống, giết chết nhiều đàn ông, con trai, biến xóm thành “vương quốc đàn bà” là bởi dân trong xóm đã cả gan san lấp đất ở gò Thờ, một mảnh đất thiêng, nơi người xưa làm nơi thờ cúng.
Gò Thờ nằm ngay giữa xóm, sát đường quốc lộ. Theo những người có tuổi trong xóm thì người Mường đi mở đất ở đâu thì đều lập miếu thờ ở đó. Dựng miếu, cúng thần linh xong thì mới dựng nhà, lập xóm.
Ông Hà Thanh Tường, (59 tuổi) là người nắm rõ nhất lịch sử ở xóm Dặt kể rằng, thuở trước, khi thấy mảnh đất nằm sát bờ sông Bứa này bằng phẳng, phì nhiêu, có hai ông quan lang không biết từ đâu đã kéo dân đến ở. Theo phong tục, hai ông chọn đám đất bằng phẳng bên tả ngạn sông Bứa làm nơi đặt miếu thờ. Tuy nhiên, việc ấy không được thần linh, thổ địa đất này đồng ý. Cúng xong vài hôm, một ông bị cọp vồ, vày nát thân xác. Ông còn lại thì cũng chỉ vài hôm sau, chết bởi một cơn đau bụng dữ dội.
Thấy thế, dân làng hoảng hốt chôn xác hai ông ở gò Thờ rồi lũ lượt kéo nhau đi. Một thời gian sau, một ông lang khác ở xã Tân Phú lại tìm về đất này. Ông lang này giỏi phong thủy nên đã chọn khu đất đẹp ngay sát nơi chôn cất hai ông quan lang trước ở gò Thờ làm nơi đặt miếu. Đó là sự chọn lựa chính xác, bằng chứng là người Mường ở xóm Dặt sống yên ổn, sinh sôi, phát triển suốt từ đó đến giờ.
Gò Thờ được san ủi để làm nhà
Ông Tường kể, cách đây chừng 5 năm, khi người ta san đất gò Thờ để làm nơi ở, nhiều người có tuổi trong xóm đã can ngăn bởi lo sợ động đến đất thiêng, xóm làng sẽ gặp chuyện chẳng lành. Có người còn cảnh báo rõ ràng rằng, động vào đất ấy là gặp họa chết người chứ chẳng phải đùa. Thế nhưng, bức xúc về chỗ ở, người dân đã bỏ ngoài tai những lời cản ngăn ấy. “Bây giờ người chết đầy ra đấy, chẳng là do thánh thần nổi giận vật chết là gì. Chuyện này không tin cũng không được!”. Ông Tường quả quyết.
Trao đổi với chúng tôi về những chuyện đau lòng, bi thương đang xảy ra ở xóm, ông Hà Văn Sâm, Bí thư Chi bộ xóm Dặt cũng không khỏi bùi ngùi. Theo ông Sâm thì việc đàn ông, con trai ở xóm liên tiếp gặp nạn, liên tiếp từ giã cõi đời đã khiến xóm làng tan tác, tiêu điều.
Tuy nhiên, ông Sâm không cho rằng những cái chết đó là do “thần linh gò Thờ” bắt phạt như nhiều người đồn thổi. “Mọi cái chết đều có nguyên nhân cả, chứ có phải không giải thích được đâu. Có điều, những cái chết đó đều rơi vào cánh đàn ông, con trai, trụ cột gia đình nên mới khiến người ta đồn thổi như thế. Theo tôi, đó cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi!”, ông Sâm khẳng định.
Tác giả bài viết: Hà Đông
Nguồn tin: