Trong nước

'Cái chết mang dấu đỏ' và cái chết tủi

Mẹ của một vị Cục trưởng Hải quan mất, báo chí đưa tin rầm rộ, cả nước biết. Tiếc thay, không phải sự kiện ra đi của bà cụ mà là cái công văn của cơ quan ông này thông báo gửi đến các ban ngành trong tỉnh.


Ảnh từ internet.

Đó là một công văn bởi nó mang đủ hình thức của một văn bản hành chính nhà nước, ký tên và đóng dấu đỏ đàng hoàng. Trước đây, từng có một thông báo tương tự như vậy đối với tang lễ của thân nhân một đồng chí Trưởng công an huyện và cũng đã bị mang tai tiếng vì sự đàm tiếu của dư luận, phê phán của báo chí. Thế mà, các đồng chí Hải quan không biết rút kinh nghiệm sao mà lại tiếp tục trượt vào vết xe đổ đó.

Sự việc còn trở nên “nhạy cảm” hơn nhiều, khi việc hiếu này thuộc nhà cán bộ lãnh đạo những ngành có nhiều quan hệ ràng buộc như Công an, Hải quan…

Cái việc có liên quan đến cán bộ, đến đặc điểm ngành nghề này nó gây phản cảm, hệt như bà Phó phòng Văn hóa nọ tổ chức thôi nôi cho con trong giờ hành chính khiến cơ quan đóng cửa đi ăn cỗ, hoặc ông Chủ tịch xã kia cho dựng rạp cưới con tại trụ sở Ủy ban trong ngày làm việc, hoặc nữa, các công văn “xin hỗ trợ” gửi các doanh nghiệp trên địa bàn của Công an nhân dịp tết, lễ. Những động thái ứng xử này khiến dư luận bất bình.

Cũng là cái chết nhưng thông tin dường như không rõ ràng, đó là trường hợp các phu vàng bị núi lở, đá đè, nước cuốn trong cơn bão số 3 vừa qua ở mỏ vàng tại Lào Cai. Những người chết này mới rất cần được thông báo để thân nhân họ được biết, để xã hội quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Nếu những cái chết thê thảm này bị che đậy thì rõ ràng sự vô cảm, phi đạo lý đang ngự trị ở đầu một số người có trách nhiệm quản lý xã hội.

Mọi người bình đẳng trước cái chết, chết là hết nhưng chỉ đối với người chết thôi. Còn “nghĩa tử là nghĩa tận”, còn “cái quan định luận”, ngay gọi cái chết từng người cũng có sự “phân cấp”, tùy theo tình trạng tuổi tác, trường hợp chết, địa vị, sự cống hiến cho xã hội, mà được gọi là từ trần, tạ thế, hy sinh, hưởng thọ, hưởng dương, hay đơn giản chỉ được gọi là “mất”. Gần đây, sự gọi này cũng bị lạm dụng, “tin buồn” nâng lên mức “cáo phó”, chỉ có chưa ai dám gọi một người chết là “băng hà” thôi!

Xưa, ung dung nhìn cái chết sắp đến, cụ Tam nguyên Yên Đổ dặn con là đừng viết điếu văn, đừng dùng gấm vóc, bỏ đi minh tinh, không mời quan đề chủ và đặc biệt: “Môn sinh chớ đóng tiền, đạt giấy/ Bạn với thầy cũng vậy mà thôi/ Khách quen con chớ có mời/ Lễ đưa, tiền phúng con thời chớ thu”. Cụ gọi đó là “cái trò thằng sống” mà thôi. Một vị đại khoa, mệnh quan triều đình, biểu tượng văn chương vùng Sơn Nam hạ, bậc sư biểu đức cao, đạo trọng, danh tiếng để muôn đời đã dặn dò như thế mà tại sao ngày nay người ta toàn làm ngược lại ý muốn của đấng tiên hiền, là sao?

Tác giả bài viết: Phaly

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP