Tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ, ở đường Trần Bình Trọng, phường An Phú, quận Ninh Kiều, người đến khám và bệnh nhân nằm điều trị hầu như lúc nào cũng đông. Tuy vậy, từ giữa năm 2022 cho đến nay, bệnh nhân khám bảo hiểm y tế đã phải tự mua thuốc, vật tư tiêu hao khi đến khám, điều trị. Tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra mua thuốc, vật tư y tế gây nhiều bức xúc khi họ có bảo hiểm y tế, khám đúng tuyến và các loại thuốc đều nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả.
Dù đã có Nghị quyết 30, nhưng các Bệnh viện ở Cần Thơ hiện vẫn phải mất từ 6-8 tháng nữa mới xong gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế năm nay |
Cùng cảnh ngộ, tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ vào những ngày đầu tháng 3/2023, người dân phản ánh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tiếp tục xảy ra mặc dù họ có mua bảo hiểm y tế.
Một người dân khám bệnh bằng bảo hiểm y tế đã 3 năm tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ nói: “Bác sĩ nói thẳng là không có thuốc, vẫn khám và tôi cũng đề nghị bác sĩ ghi toa thuốc, tôi ra ngoài mua. Nhưng vấn đề ở chỗ, người ta ra ngoài mua đưa hóa đơn thì phải thanh toán trả lại cho người ta. Tôi vẫn còn để hóa đơn ở nhà. Thậm chí y tế phường bảo “không ai thanh toán cho bác đâu, quên chuyện đó đi” - điều này rất vô lý, tiền tôi đã trả, nhận tiền rồi thì phải đàng hoàng”.
Ngoài nguyên nhân lượng bệnh nhân tăng cao hậu COVID-19, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tâm lý sợ sai khiến các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm. Sở Y tế TP. Cần Thơ đã giao cho các đơn vị tự mua sắm, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng các đơn vị còn e ngại; cũng còn lý do là các nhà cung cấp ngại giá cả và thủ tục phức tạp.
Theo BS Huỳnh Minh Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, thời gian qua, bệnh viện gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế đấu thầu và mua sắm vật tư trang thiết bị nên có tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất. Nghị định 7 và Nghị quyết 30 giải quyết được rất nhiều khó khăn của ngành y tế, các Bệnh viện rất mừng. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 của Chính phủ là giải pháp được áp dụng tạm thời do liên quan đến vấn đề hậu kiểm. Để giải quyết căn cơ và triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, bệnh viện cần nhiều thời gian để bàn bạc, xem xét và nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
“Hiện nay, thuốc để phục vụ cho bệnh nhân cơ bản đã có và đảm bảo cung ứng. Vật tư hiện vẫn còn vướng một số cơ chế từ ở cấp Trung ương chưa điều chỉnh kịp thời nên vẫn chưa đấu thầu mua sắm. Bệnh viện cũng đang điều chỉnh để phục vụ cho bệnh nhân”, BS Huỳnh Minh Phú nói.
Cần Thơ hiện đã đáp ứng được khoảng 80% số thuốc cho các bệnh viện công lập |
Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, Nghị định 7 và Nghị quyết 30 tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc, băn khoăn của ngành y tế. Vừa qua đa số công ty bị vướng do không được giải quyết cấp phép lưu hành, nhập khẩu dẫn đến không có hàng, các cơ sở y tế có làm đấu thầu thì họ cũng không tham gia được. Nghị định 7 gỡ cho các công ty về đăng ký nhập khẩu, giấy phép lưu hành… thì cơ sở y tế sẽ có được nguồn cung dễ hơn trước. Mặc dù vậy, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cũng như các bệnh viện công lập trên địa bàn nhận định, thuốc hiện có thể đáp ứng 80%, riêng về tiến độ mua sắm gói vật tư, hóa chất phục vụ cho bệnh nhân trong năm 2023 hầu như chưa thể triển khai do chờ đợi cấp trên phê duyệt.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ chia sẻ, thời điểm này các bệnh viện lại bắt đầu cạn trang thiết bị, nếu Bệnh viện mua cũng chưa có liền. Đó là chưa kể trang thiết bị, vật tư còn liên quan quy định về đấu thầu. Cụ thể, theo luật thì ngành y tế muốn làm thủ tục xin phép được mua sắm phải qua ba vòng thủ tục, trước đây thường mất 6-8 tháng. Với tình hình hiện nay thì phải 6-8 tháng nữa mới xong gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế năm nay.
“Hiện bây giờ trang thiết bị đã có Nghị quyết 30, nhưng chỉ gỡ khó trong giai đoạn này thôi, cũng phải ra Nghị định mới được. Tuy nhiên, tới bây giờ trong Nghị quyết 30 vẫn phải sửa luật đấu thầu lại mới được, có nghĩa là phải từ cái cao nhất. Luật đấu thầu phải có những phần đặc biệt riêng cho y tế nữa, chứ giờ luật đấu thầu vẫn chung. Còn một cái khó nữa vật tư y tế, hóa chất y tế, nó rất là đặc trưng nhưng vẫn để mua sắm với các hàng hóa khác là không được, còn vướng rất nhiều”, bà Nga cho biết.
Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ kiến nghị dù có Nghị quyết 30 nhưng vẫn cần có quy định riêng về luật đấu thầu cho vật tư, trang thiết bị y tế. |
Hiện ở Cần Thơ, các bệnh viện nhỏ tuyến huyện dịch vụ đơn giản, bệnh không nặng và trang thiết bị thông thường dễ mua hơn. Cái khó nằm ở những bệnh viện chuyên khoa, tuyến càng sâu, bệnh nhân càng nặng thì càng thiếu. Do vậy, để giải quyết khó khăn “tạm thời”, ngày 28/2, UBND TP. Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo về việc sẽ bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh sau Công điện số 72 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế./.
Tác giả: Hồng Phương
Nguồn tin: Báo VOV