Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11/2018.
Dự thảo có quy định phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, nếu xúc phạm học sinh, giáo viên có thể bị phạt hàng chục triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
Ngoài phạt tiền, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên. Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học.
Ảnh cắt từ clip một vụ việc học sinh đánh giáo viên trong lớp học trong thời gian qua. |
Dự thảo nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ xã hội, đặc biệt là đội ngũ giáo viên hiện nay. Bởi, Dự thảo quy định rất rõ các mức phạt, trong đó chủ đề “xúc phạm học sinh, có thể bị phạt từ 10 - 30 triệu đồng” gây tranh luận nhiều trên mạng xã hội.
Nhiều giáo viên cho rằng, không đồng tình với việc xúc phạm học trò, nhưng mức xử phạt là khá lớn, nhiều giáo viên đi dạy cả năm tiền lương chưa chắc đủ cho một lần “mắng” học trò.
“Nhiều giáo viên cảm giác hoang mang khi đọc dự thảo, bởi các quy định chưa cụ thể, nhiều người nghĩ rằng chỉ mắng nặng lời, hay dùng thước đánh nhẹ vào tay học sinh mỗi khi vi phạm sẽ bị xử lý nặng là phạt tiền lên tới 30 triệu đồng. Như thế, vì áp lực công việc và nỗi lo bị phạt mà một số giáo viên sẽ chọn giải pháp chỉ nhắc nhở nhẹ, cho qua dù học sinh mắc lỗi, thậm chí nói hỗn với mình. Dần dà, học trò sẽ nhờn và thiếu tôn trọng giáo viên” - một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ.
Theo thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền (nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia), những quy định này dễ dẫn đến chồng chéo trong các điều khoản luật. Khi đời sống cho giáo viên chưa đảm bảo bởi thu nhập còn thấp dẫn đến áp lực mưu sinh, công việc mà áp dụng xử phạt mức tiền lớn càng khiến cho tư tưởng và tâm lý giáo viên càng chán nản, không còn tâm huyết với nghề.
“Tư duy phạt tiền nặng trước các vi phạm đã quá lạc hậu, không phù hợp trong điều kiện giáo dục hiện nay. Khi tư tưởng, tâm lý giáo viên không thoải mái, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Lúc này, người chịu thiệt không ai khác chính là học sinh. Nếu quy định xử phạt hành chính này được áp dụng, sẽ khó tránh khỏi tình trạng giáo viên không dại gì mà để liên lụy đến thân. Vì giữ an toàn mà nhiều giáo viên chọn cách mặc kệ học sinh” - thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền nhận định.
Trước những băn khoăn nói trên, trả lời báo chí, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, dự thảo đề cập quy định xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành hai nhóm hành vi khác nhau nhằm hướng tới hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường, gây bức xúc dư luận.
Các quy định hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo. Khi xử phạt cũng phải xem xét đâu là động cơ, hành vi, mục đích chứ không phải cứ “đè” ra phạt, không phải cứ giáo viên đánh vào tay học sinh là phạt 30 triệu.