Kinh tế

Xuất khẩu tốp 10 thế giới nhưng Việt Nam vẫn đang phải "vay thương hiệu"

Các chuyên gia cho rằng cần nhân tố mới, nét mới để đưa thương hiệu Việt đi xa.

Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới và là 1 trong 20 quốc có thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thực tế rất buồn là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải "vay thương hiệu" để xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công Thương, có đến 70 - 80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết như vậy tại hội thảo "Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt" do báo tổ chức ngày 27-6.

Ông Trường dẫn chứng, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu...

Trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng

Trong khi đó, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Đi vào ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho rằng việc sản phẩm Việt phải thông qua thương hiệu của các nước khác, hoặc xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản.

"Việc xây dựng thương hiệu do doanh nghiệp quyết định và Nhà nước là bà đỡ. Về mặt sản xuất, chúng ta làm tốt nhưng không đảm bảo được chất lượng ổn định. Nông sản khác với sản xuất công nghiệp là vậy, nay có mai không thì không thể xây dựng được thương hiệu. Giá cả không ổn định cũng rất khó cho thương hiệu" - ông Cường nói.

Để giải bài toán này, ông Cường cho rằng phải tạo được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng nhất áp dụng các chương trình canh tác xanh, tuần hoàn, có chứng nhận.

Toàn cảnh hội thảo ngày 27-6

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), cho rằng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn.

"Ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu "dệt may xanh". Với Việt Nam, để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xanh hóa, cần khẳng định rằng, nếu không xanh hóa thì không có tương lai – như trình bày của PGS-TS Nguyễn Hồng Quân ở đầu hội thảo. Cho nên, phải chuyển đổi xanh, tạo nội lực mềm cho doanh nghiệp, đón đầu cho tương lai" – ông Hòa bày tỏ.

Tác giả: T. Nhân

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP