Pháp luật

Xử vụ hải quan Cát Lái nhận hối lộ tiền tỉ

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hải quan…

Sau nhiều lần hoãn, ngày 9-4, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ Nguyễn Trường Duy (nguyên công chức Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP.HCM) bị VKSND Tối cao truy tố về tội nhận hối lộ. Phiên xử dự kiến kéo dài hai ngày.

Nhận tiền thông qua mẹ ruột

Theo hồ sơ, từ tháng 1 đến tháng 12-2015, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, Duy đã dùng nhiều thủ đoạn để thỏa thuận, yêu cầu các doanh nghiệp (DN), người làm thủ tục khai báo hải quan cho DN phải chi tiền cho mình thì khi nhập khẩu sẽ không bị kiểm tra hàng hóa thực tế 100%.

Duy đã sử dụng địa chỉ nhà riêng tại đường Trần Khắc Chân (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) và phòng làm việc ở cảng Cát Lái làm nơi nhận tiền. Đồng thời Duy cũng thông qua mẹ ruột của mình để nhận hối lộ của 50 DN với tổng số tiền 542 triệu đồng.

Ngày 29-12-2015, lực lượng công an bắt quả tang Duy nhận hối lộ tại nhà mẹ ruột và khám xét nhà, phát hiện, niêm phong 64 bì thư và giấy gói tiền, tổng cộng thu giữ 964,5 triệu đồng.

Ban đầu Duy bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS). Đến tháng 7-2016, cơ quan tố tụng thay đổi tội danh, truy tố Duy về tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS) và truy tố bổ sung tội buôn lậu (Điều 153 BLHS).

Kết quả điều tra đã xác định ngoài việc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, Duy còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như lợi dụng tâm lý lo ngại của DN, người làm dịch vụ hải quan khi hàng hóa nhập khẩu để kiểm tra. Trong số 50 DN chi tiền cho Duy, có 12 đơn vị từng bị Đội Kiểm soát hải quan của Duy phối hợp kiểm tra hàng hóa.

Bị cáo Nguyễn Trường Duy tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN

Duy còn thường xuyên sử dụng, thay đổi SIM điện thoại, dùng SIM rác để liên lạc, thỏa thuận với các DN và cá nhân làm thủ tục khai báo hải quan để che giấu tội phạm. Duy cũng lợi dụng địa điểm không phải là nơi cư trú của mình và dùng người thân trong gia đình để nhận tiền bất hợp pháp.

Tại CQĐT Bộ Công an, Duy không nhận tội. Tuy nhiên, CQĐT căn cứ vào lời khai, tài liệu do DN, người làm thủ tục khai báo hải quan cho DN cung cấp, kết luận giám định giọng nói của Duy trong các file ghi âm cuộc gọi giữa bị cáo và người làm dịch vụ hải quan, kết quả đối chất, nhận dạng của những người có liên quan với bị can, với mẹ bị cáo và nhiều tài liệu khác để kết luận đủ căn cứ buộc tội Duy.

Về hành vi buôn lậu xảy ra tại Công ty Nam Hà Sơn có liên quan đến Duy và một số bị can trong vụ án khác, CQĐT không thể hoàn thành sớm việc điều tra nên tách ra để xử lý sau.

Người đưa hối lộ không bị xử lý hình sự

Trong vụ án, những người đã đưa tiền hối lộ cho Duy (các chủ DN, các cá nhân làm thủ tục khai báo hải quan cho DN) không bị CQĐT xử lý hình sự về tội đưa hối lộ.

Kết quả điều tra xác định: Do bị đe dọa, ép buộc và sợ phát sinh chi phí khi DN bị phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan, những người trên đã đưa hối lộ cho Duy. Khi vụ án bị phát hiện, họ đã chủ động làm đơn tố cáo Duy, cung cấp tài liệu chứng cứ và khai báo thành khẩn về hành vi đưa hối lộ, giúp CQĐT nhanh chóng điều tra làm rõ vụ án.

Xét hành vi của họ là đưa hối lộ, tuy nhiên theo CQĐT cần áp dụng chính sách hình sự trong việc phân loại xử lý (quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS cũ không xử lý trường hợp này về hành vi đưa hối lộ). Thay vào đó, CQĐT đã ban hành văn bản kiến nghị UBND các tỉnh, thành (nơi các DN đăng ký kinh doanh) nhắc nhở các DN thực hiện đúng quy định của pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đối với mẹ Duy, là người đã nhận tiền từ các cá nhân, DN đưa hối lộ cho Duy cũng không có cơ sở xử lý. Theo CQĐT, bà này có nhận tiền nhưng không đủ căn cứ kết luận được yếu tố đồng phạm với Duy.

Với các công chức hải quan là lãnh đạo đội, tổ và cán bộ nhóm trinh sát địa bàn có liên quan, CQĐT không xác định được có liên quan đến hành vi nhận hối lộ của Duy…

Ngoài ra, ông Bùi Thành Chung (Đội phó Đội Kiểm soát hải quan, cấp trên của Duy) đã ký các “phiếu phối hợp công tác” để phối hợp kiểm tra hàng hóa của các DN nhưng việc kiểm tra kém hiệu quả, để Duy lợi dụng đe dọa, thỏa thuận nhận hối lộ của các DN. Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa có căn cứ xác định ông Chung là đồng phạm với Duy về hành vi nhận hối lộ.

Đề nghị triệu tập điều tra viên Bộ Công an

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư của bị cáo Duy trình bày thân chủ bị bức cung trong quá trình điều tra và đề nghị HĐXX triệu tập hai điều tra viên của Bộ Công an cùng đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội đến phiên tòa nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết sẽ căn cứ vào tình hình diễn biến phiên tòa mà quyết định có triệu tập theo yêu cầu của luật sư hay không.

Trước đó, HĐXX đã triệu tập ông Đinh Ngọc Thắng (Phó cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM) và 41 người khác dự tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhưng chỉ có 18 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tòa, vắng 24 người, trong đó ông Thắng vắng mặt không có lý do.

Quy định liên quan

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

(Theo khoản 6 Điều 289 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009))

Tác giả: HOÀNG YẾN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP