Trong nước

Xử nguyên chủ tịch huyện “ăn đất” dự án Formosa: Hoãn tuyên án

Sáng 1.12, TAND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ngày thứ 3 xét xử vụ án nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh cùng đồng bọn "cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", tuy nhiên do xuất hiện tình tiết mới sau nghị án nên đã thông báo hoãn tuyên án.

Nguyên chủ tịch huyện Kỳ Anh bị đề nghị 12-13 năm tù
Làm thất thoát hơn 10 tỷ, nguyên chủ tịch huyện nói ‘vì dân’
Nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh cùng các đồng phạm sắp hầu tòa


Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, thực hiện các quyết định về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân thuộc dự án trọng điểm gang thép Formosa giai đoạn 2008 - 2009, tại xã Kỳ Long có 61,39ha đất công do chính quyền quản lý và đất do dân khai hoang phục hóa. Diện tích đất công sẽ không được bồi thường, hỗ trợ; riêng diện tích đất do dân khai hoang phục hóa sau mốc 1.7.2004 sẽ được hỗ trợ bằng 30% giá bồi thường đất nông nghiệp.

Nắm rõ điều đó, Nguyễn Văn Bổng đã cấu kết với Phạm Huy Tường - Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, Lê Anh Đức - thành viên của Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh, Lê Hữu Diện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Lê Quang Hà - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Lê Xuân Nghinh - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long lập hồ sơ đưa 61,39ha đất công vào diện “đất tranh chấp”, nên được UBND tỉnh phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường số tiền 22,748 tỉ đồng.

Clip HĐXX thông báo có tình tiết mới nên hoãn tuyên án:


Để giải ngân, chiếm đoạt được số tiền 22,748 tỉ đồng này, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh đã trực tiếp gặp Nguyễn Văn Bổng xin chủ trương giải quyết và được Nguyễn Văn Bổng cho chủ trương họp dân, lập hồ sơ bồi thường trình hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện áp giá chi trả. Được Chủ tịch huyện đồng ý, cả Chủ tịch và Bí thư xã Kỳ Long đã tổ chức họp dân, thống nhất cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ và phân chia tiền bồi thường như sau: Đất hộ dân tự khai hoang không có giấy tờ thì hộ dân được hưởng 50%, xã trích lại 50%; đất hộ dân tự phục hóa không có giấy tờ thì hộ dân được hưởng 30%, xã trích lại 70%; đất chưa sử dụng thì giao cho cán bộ xã, xóm đứng tên để lấy 100% thu vào ngân sách xã.

Tiếp tay giúp cho xã Kỳ Long hợp thức hồ sơ, Phạm Huy Tường đã giao Lê Anh Đức trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ chuyển đổi từ đất công do UBND xã quản lý sang đất giao cho hộ dân sử dụng và cùng Lê Quang Hà lập 412 bản kiểm kê, nâng khống số lượng tiền đền bù lên số tiền 21,609 tỉ đồng, còn lại 47 biên bản Hà trực tiếp thực hiện với số tiền 1,077 tỉ đồng. Tổng số tiền 22,686 tỉ đồng đã được Nguyễn Văn Bổng ký chi trả cho các hộ dân đứng tên mà không thông qua thẩm định của Sở Tài chính và phê duyệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thực chất các hộ dân chỉ thực nhận 10,377 tỉ đồng theo thỏa thuận từ trước.

Không dừng lại ở xã Kỳ Long, Nguyễn Văn Bổng và Phạm Huy Tường còn chỉ đạo lập hồ sơ khống, biến 11,39ha đất công ở xã Kỳ Phương thành “đất tranh chấp” để được áp giá đền bù 4,223 tỉ đồng. Theo đó, để biến 11,39ha đất công này thành “đất tranh chấp”, được tỉnh áp giá đền bù, Lê Công Diếu - Chủ tịch UND xã Kỳ Phương - đã gặp Hồ Xuân Cường - cán bộ hội đồng bồi thường - để phối hợp thực hiện. Hồ Xuân Cường đã sử dụng danh sách hộ dân mà các thôn thuộc xã Kỳ Phương gửi lên để lập thành 146 biên bản áp giá, với tổng số tiền 4,223 tỉ đồng và được Nguyễn Văn Bổng bỏ qua các điều kiện, thủ tục bắt buộc, ra quyết định chi trả toàn bộ số tiền trên cho xã Kỳ Phương.

Quá trình điều tra và truy tố, xét xử, cơ quan tố tụng đã xác định, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật về bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thì diện tích 61,39ha đất tại xã Kỳ Long nói trên chỉ được hỗ trợ số tiền 13,011 tỉ đồng, còn lại 9,639 tỉ đồng trên tổng số tiền đã chi trả là gây thiệt hại cho ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng của BQL khu kinh tế Vũng Áng, trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Với diện tích 11,39ha đất tại xã Kỳ Phương nói trên, cơ quan chức năng xác định chỉ được hỗ trợ 3,337 tỉ đồng, chênh lệch 885,594 triệu đồng, trong đó thất thoát 840,954 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền thất ngân sách do các cán bộ nêu trên cố ý làm trái, được xác định 10,480 tỉ đồng.

Toàn cảnh phiên tòa

VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh, Lê Quang Hà, Lê Anh Đức bị truy tố về khoản 3, điều 165- BLHS, với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm. Bị cáo Lê Công Diếu và Hồ Xuân Cường bị truy tố theo điểm d, khoản 2, điều 165- BLHS, với khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm.

Tại phiên tòa sáng 1.12, cho nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Bổng cho rằng mình sai phạm vì áp lực giải phóng mặt bằng, thực hiện nhiệm vụ vì nước, vì dân, vì quê hương... nên xin HĐXX xem xét giảm án. Bị cáo Phạm Huy Tường đề nghị xem xét lại số liệu diện tích đất bồi thường không đúng quy định mà cơ quan tố tụng công bố. Các bị cáo khác trình bày hoàn cảnh gia đình, nhân thân tốt... xin xem xét giảm án.

Sau khi nghị án, thay vì tuyên án như dự kiến, HĐXX đã thông báo, trong lúc nghị án có tình tiết mới xuất hiện nên hoãn tuyên án, quyết định tuyên án sẽ được công bố vào phiên tòa chiều 2.12.

Tác giả bài viết: Trần Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP