Kinh tế

Xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn

Trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp an toàn, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp đã và đang xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nông dân.

Quỳnh Liên là xã chuyên canh rau màu hàng hóa lớn nhất của thị xã Hoàng Mai. Tuy nhiên, nông dân Quỳnh Liên lâu nay vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để giúp bà con nâng cao nhận thức, sản xuất rau an toàn, Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Hoàng Mai đã phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Việt Xanh tập huấn, hỗ trợ chị em triển khai trồng hơn 40 sào các loại rau màu như cà pháo, dưa chuột, dưa hấu, bầu trắng... theo hướng an toàn, bước đầu mang lại hiệu quả.
images1293874 rau1
Mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao

Chị Lê Thị Kim - Thôn 7 - xã Quỳnh Liên - thị xã Hoàng Mai cho biết: Trước đây trồng rau dùng nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cho nên rau không được an toàn lắm. Từ khi tham gia mô hình này, chúng tôi thấy phân bón cũng ngang nhau nhưng rau được an toàn hơn và dễ bán hơn.

Nhờ ghi chép cẩn thận các thông tin và các biểu mẫu để sử dụng giống, phân bón, chất bổ sung, sử dụng thuốc BVTV, đánh giá nguồn nước và hệ thống cung cấp nước; bà con nông dân xã Quỳnh Liên đang từng bước ứng dụng, quản lý được quy trình sản xuất rau hàng hóa theo phương thức canh tác thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Mô hình này đang được Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Hoàng Mai nhân rộng.

Theo chị Nguyễn Thị Vân - Phó chủ tịch Hội LHPN thị xã Hoàng Mai: Để giúp chị em phụ nữ sản xuất ra những sản phẩm vừa an toàn cho người trồng, vừa an toàn cho người tiêu dùng, Hội LHPN thị xã đã xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng VietGap ở xã Quỳnh Liên.Từ đó nhân rộng ra trên toàn thị xã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo Hội cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Xu hướng sản xuất nông sản an toàn đang ngày càng được bà con nông dân ứng dụng, phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao. Tại xã Hạnh Dịch huyện Quế Phong, với quỹ đất phù sa ven dòng sông Nậm, thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu, chính quyền địa phương cũng đã đã triển khai xây dựng mô hình rau an toàn trên 15ha. Với phương thức sản xuất không dùng hóa chất độc hại, không dùng chất khích thích, tăng trưởng, sản phẩm rau quả sạch của bà con nông dân Hạnh Dịch không phải đưa ra chợ mà được người tiêu dùng tìm về mua tại vườn với giá cao.

Ông Lương Thanh Bình - Bản khốm tâm sự: Ngày xưa gia đình tôi chưa biết làm mô hình dưa sạch, mướp sạch thế này. Nay nhờ chính quyền tạo cơ hội nên cho gia đình phát triển hộ gia đình, học hỏi, nhân rộng ra cho dân bản làm theo. Mới hái 2 ngày nay đã bán được hơn 1 tạ giá tại chỗ 8 nghìn / kg.

images1293875 rau2
Cán bộ hướng dẫn người dân phương pháp canh tác, sản xuất

Anh Hoàng Văn Hải – Cán bộ 30 a huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi thực hiện mô hình này từ khâu khảo sát, hướng dẫn bà con làm đất gieo trồng, thay phiên nhau bám sát mô hình hướng dẫn kỹ thuật từ khâu bón thúc, làm giàn, trong quá trình bón thúc sau thu hoạch. Đặc biệt là khâu thụ phấn để tăng năng suất hiệu quả nhiều hơn. Hiện tại mô hình mướp và dưa chuột cho thu hoạch trong thời gian 60 ngày. Bước đầu có 80-90 % thành công. Sản phẩm bán tại vườn được giá nên bà con rất phấn khởi. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát nhân rộng mô hình để nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp như chuối ngâm thuốc diệt cỏ, rau phun thuốc tăng trưởng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…Điều này đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang, sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân.

Vì vậy, giải pháp canh tác để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng an toàn là xu hướng phát triển tất yếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống , giúp nông dân tăng thu nhập một cách bền vững; đồng thời cải thiện, góp phần khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường tự nhiên.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP