Văn Toàn (phải) đã có pha chuyền bóng đẹp để Quang Hải lập công trong trận U23 Việt Nam gặp Nhật Bản trong khuôn khổ ASIAD 18 |
Mặc dù xoilac.tv (trong bài này, sau đây gọi tắt là xoilac - PV) đang giải toả niềm đam mê của một số người muốn theo dõi trực tiếp U23 Việt Nam tại ASIAD 18. Tuy nhiên chuyên gia pháp luật cho rằng xoilac đang vi phạm bản quyền, có thể sẽ bị khởi kiện.
Những ngày qua trang web của xoilac.tv phát đi thông báo sẽ phát trực tiếp toàn bộ các trận đấu của U23 Việt Nam tại ASIAD 18. Không những thế, xoilac còn hứa hẹn trực tiếp luôn các môn thi đấu khác của ASIAD như: điền kinh, bơi lội, bắn súng.
Có thể xử phạt 5 năm tù
Trả lời vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc các trang web như xoilac.tv phát trực tiếp lậu các trận đấu của U23 Việt Nam tại ASIAD không phải giải pháp tốt bởi không chỉ vi phạm bản quyền, có thể bị khởi kiện theo luật Sở hữu trí tuệ mà còn gây ảnh hưởng đến việc đàm phán mua bản quyền các giải bóng đá lớn trong tương lai của Việt Nam.
LS Trang phân tích, theo luật Sở hữu trí tuệ, trang web xoilac chưa được sự cho phép của đơn vị giữ bản quyền truyền hình ASIAD 18 nhưng lại phát sóng rộng rãi trên trang xoilac cho nhiều người xem. Nếu trang xoilac bị đơn vị giữ bản quyền khởi kiện thì họ có quyền yêu cầu bồi thường khi chứng minh được thiệt hại xảy ra, thậm chí là chủ trang xoilac có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 3 luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm điện ảnh, các chương trình truyền hình, phim nói chung và chương trình phát sóng ASIAD 18 nói riêng đều là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Xoilac' phát lậu các trận đấu ASIAD 18: Có thể xử lý hình sự? - ảnh 2 |
"Việc xâm phạm quyền tác giả còn có thể bị xử lý hình sự theo điều 131 tội xâm phạm quyền tác giả với mức phạt cao nhất là 5 năm tù. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm quyền tác giả gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, có tổ chức, chuyên nghiệp", LS Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính theo Điều 211, luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, người vi phạm có thể bị cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ trang web vi phạm. Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Gỡ bỏ bản chương trình phát sóng
Cùng quan điểm với LS Trang, LS Nguyễn Thị Hà (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhấn mạnh các website, các ứng dụng dùng để truyền dẫn các chương trình phát sóng các môn thi đấu thể thao như ASIAD 18 không được cấp bản quyền là vi phạm luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ, tùy theo mức độ vi phạm, các đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong một số trường hợp còn phải bồi thường thiệt hại và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như gỡ bỏ bản chương trình phát sóng, hoàn trả cho chủ sở hữu quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
LS Trang đánh giá cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trên mạng rất cam go và cần có thời gian, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để không để tồn tại những trang web lậu tại Việt Nam.
Tác giả: Ngọc Lê
Nguồn tin: Báo Thanh niên