Các bị cáo tại phiên tòa |
10 bị cáo đều được tại ngoại và bị đưa ra xét xử, gồm: nguyên Tổng giám đốc Lê Quang Trí; 3 nguyên Phó tổng giám đốc là: Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn; nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật; nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát; nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Trần Thanh Bình; nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Đinh Thị Đoan Trang; nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Nguyễn Ngọc Oanh và nguyên Trưởng phòng Pháp chế Phạm Thị Thu Hiền.
Trong phần thủ tục sáng qua, một số luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì nhiều người liên quan, người làm chứng vắng mặt (cụ thể là các cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank); triệu tập đến tòa 4 điều tra viên của Bộ Công an và 4 kiểm sát viên của Viện KSND tối cao đã tiến hành tố tụng vụ án để làm rõ một số nội dung mâu thuẫn giữa kết luận điều tra và cáo trạng. Tuy nhiên, theo HĐXX, tòa đã triệu tập những người vắng mặt hợp lệ, đồng thời bút lục hồ sơ vụ án thể hiện lời khai của họ nên những người này vắng mặt không làm ảnh hưởng đến việc xét xử. Trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết, HĐXX sẽ triệu tập lại.
Đối với những mâu thuẫn giữa kết luận điều tra và cáo trạng, theo tòa, trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.HCM thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa sẽ làm rõ.
Ngoài ra, đại diện NCB Bank cho rằng phía ngân hàng được mời tham gia phiên tòa với tư cách tố tụng nguyên đơn dân sự là không đúng vì ngân hàng không yêu cầu các bị cáo bồi thường, mà yêu cầu VietinBank trả lại 200 tỉ đồng thiệt hại. Về nội dung này, HĐXX cho biết, ngoài tư cách tố tụng là nguyên đơn dân sự, NCB Bank sẽ tham gia tố tụng với một tư cách nữa là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nên ngân hàng này sẽ được quyền kháng cáo những nội dung liên quan quyền lợi của ngân hàng.
Có thiếu sót nhưng không cố ý (?)
Trong nội dung xét hỏi chiều 28.2, Luật khai: “Cáo trạng và kết luận điều tra nêu bị cáo bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ VietinBank chi nhánh TP.HCM, bị TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên tổng hợp hình phạt chung thân vào ngày 9.2.2018 - PV) dẫn dụ khiến bị cáo bất bình. Bị cáo chưa bao giờ gặp Huyền Như, bị cáo chỉ gặp, giao dịch với bị án Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, bị TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên tổng hợp hình phạt 27 năm tù vào ngày 9.2.2018). Gặp Tuấn, bị cáo còn yêu cầu Tuấn xuất trình giấy ủy quyền của VietinBank Nhà Bè cho Tuấn đi huy động vốn từ cá nhân, tổ chức”.
Luật cũng khai gặp Võ Anh Tuấn là để tiếp nhận thông tin về việc VietinBank Nhà Bè có nhu cầu huy động nguồn vốn; lãi suất trên hợp đồng, lãi suất ngoài cũng do Tuấn đưa ra. Sau đó, Luật chuyển các thông tin nhận được từ Tuấn đến ban lãnh đạo Navibank.
Ngược lại, Võ Anh Tuấn khai tại tòa, nguyên tắc trong hoạt động ngân hàng thì người gửi tiền có quyền đưa ra lãi suất, không phải bên huy động vốn. Chủ tọa đối chất lời khai này với Luật, bị cáo Luật trình bày: “Bị cáo không biết vì lý do gì mà Tuấn không nói ra sự thật nhưng nói chính xác rằng, cá nhân, tổ chức không bao giờ thỏa thuận được lãi suất với ngân hàng. Đặc biệt, đối với ngân hàng lớn thì họ mới là người đưa ra mức giá, lãi suất, các ngân hàng nhỏ đồng ý thì tham gia, không đồng ý thì thôi”.
Nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí kêu oan, cho rằng luật Các tổ chức tín dụng không có điều khoản nào cấm nhân viên ngân hàng vay tiền chính ngân hàng của mình rồi đem gửi tổ chức tín dụng khác; phương án vay vốn không nhất thiết là phương án riêng. Khoản vay đã được đảm bảo bằng hợp đồng tiền gửi tại VietinBank, lãi vay bằng với lãi suất tiền gửi + lãi suất ngoài nên xét về phương án trả nợ là đảm bảo nên việc cho vay là phù hợp.
Gần 15 tỉ đồng tiền lãi suất ngoài theo thỏa thuận, Luật và Trí đều khai số tiền này đều đã giao lại cho phòng ngân quỹ cất giữ. Hôm nay, (1.3), phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Tác giả: PHAN THƯƠNG
Nguồn tin: Báo Thanh niên