Xe

Xe máy điện 'nhộn nhịp', đủ kiểu giá cả để hút khách

Nhiều hãng xe đa dạng mẫu mã, giá cả cạnh tranh. Có hãng khẳng định 'miếng bánh' xe máy điện, xe đạp điện có dư địa phát triển mạnh, chỉ cần trúng thời điểm là có thể bùng nổ.

Sôi động thị trường xe máy điện, nhiều doanh nghiệp tăng đầu tư sản xuất - Ảnh: CÔNG TRUNG

Xe 2 bánh sạc điện "giá nào cũng có"

Theo chị Thanh Thủy (một cửa hàng xe đạp, xe máy điện ở quận Gò Vấp, TP.HCM), cách đây 4-5 năm, xe máy điện, xe đạp điện từng rộ lên nhưng sau đó trầm lắng do sản phẩm còn hạn chế về chất lượng, pin dễ chai, kết cấu xe xuống cấp.

Gần đây, dòng xe này đang trở nên quen thuộc với khách hàng do thị trường đa dạng sản phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước lẫn kiểu dáng, chất lượng, giá cả.

"Giá nào cũng có. Xe cũng ngày càng hoàn thiện, có được sự tin tưởng của khách" - chị Thủy nói.

Khảo sát trên thị trường cho thấy mức giá xe hai bánh sạc điện phổ biến 7 - 18 triệu đồng với nhiều chủng loại, mẫu mã và nguồn gốc khác nhau. Các xe bán "chạy" nhất ở mức 9,5 - 12,5 triệu đồng/chiếc. Phân khúc khách chủ yếu là học sinh, sinh viên mùa tựu trường.

Các mẫu xe đạp điện như JVC Neo, Lixi V8, Sarune S6 kiểu dáng nhỏ gọn, giá vừa túi tiền khách hàng khoảng 9 - 15 triệu đồng. Xe sản xuất trong nước như VinFast, Pega... giá 8 - 25 triệu đồng/chiếc được nhiều khách lựa chọn.

Bên cạnh đó, dòng xe máy điện đang bán chạy như Aura+, Ludo và Impes... giá khoảng 12,9 triệu đồng (chưa gồm pin).

Cả hai mẫu xe này đều dùng động cơ của Bosch, trang bị pin lithium-ion của LG Chem, có khả năng đi quãng đường 70km/lần sạc, vận tốc tối đa 35 - 50km/h.

Khách hàng tham khảo các dòng xe máy điện trưng bày tại một sự kiện mới đây ở TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRUNG

Doanh nghiệp Việt giành lại thị trường

Các doanh nghiệp đang sản xuất xe đạp, xe máy điện thừa nhận cách đây hơn 10 năm, thị trường này đa phần là xe nhập khẩu Trung Quốc, chất lượng kém. Nay thị trường đã khác khi doanh nghiệp Việt tăng đầu tư, giành lại thị phần với chất lượng, kiểu dáng, chủng loại xe dần cải tiến, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.

Ông Hoàng Mạnh Tân - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà - cho biết đang có xu hướng chuyển dịch từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện. Về mặt chính sách, cơ hội ngày càng rõ. Hội nghị COP26, từ năm 2035 dừng sản xuất ô tô chạy xăng và từ năm 2040 dừng sản xuất toàn bộ xe hai bánh chạy xăng.

Theo lộ trình này, xe máy điện đang rất tiềm năng cho thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam, thậm chí xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trí - giám đốc kinh doanh hãng xe điện Pega - cho rằng sự chuyển đổi xe xăng sang xe điện là cơ hội lớn để doanh nghiệp nhanh chóng tiến vào thị trường tỉ đô.

Pega đã tăng tốc đầu tư dây chuyền, áp dụng công nghệ trong xe máy điện để gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Theo ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn - nhà sáng lập kiêm CEO Dat Bike, xe máy, xe đạp điện đã được cải thiện về chất lượng, vận tốc xe, quãng đường đi được sau mỗi lần sạc và chất lượng pin.

"Chiếc xe điện công suất lớn, có khả năng đi xa, sạc nhanh với mức giá vừa phải. Những yếu tố này đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng nên đơn hàng tăng cao", ông Sơn cho biết.

Nhiều doanh nghiệp nhập cuộc

Các hãng xe như VinFast, SYM, Yamaha, Pega tiếp tục tung ra sản phẩm mới. VinFast giới thiệu xe đạp điện 130kg, chất liệu nhôm, lắp mô tơ điện ở phía sau, kiểu dáng hiện đại được nhiều người tiêu dùng tò mò, đặt mua dù sản phẩm chưa bán chính thức.

Pega mở rộng nhà máy, sản xuất xe tay ga điện kiểu dáng giống xe SH được khách hàng ưa chuộng.

SYM mới đây đưa ra 2 mẫu xe đạp điện với giá bán khoảng 14 triệu đồng/chiếc. Hãng xe đạp Martin 107 cũng có 6 mẫu xe đạp điện với giá bán 11 - 15 triệu đồng/chiếc.

Tác giả: CÔNG TRUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP