Kinh tế

Xăng, dầu tiếp tục tăng giá

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều hành giá ngày 21/6.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến 17/6 cho thấy giá bán lẻ tại thị trường Singapore với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) là151,5 USD/thùng, xăng RON 95 là 158 USD/thùng, dầu diesel là 17,1 USD/thùng. Mức giá này tăng khá cao so với bình quân giá giá xăng dầu kỳ điều hành trước đó.

Xăng dầu dự báo tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều hành giá ngày 21/6. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo giá xăng dầu tại kỳ điều hành giá ngày 21/6 sẽ tiếp tục tăng theo đà tăng thế giới. Mức tăng tuỳ thuộc việc cơ quan quản lý chi dùng hoặc trích lập quỹ bình ổn giá (BOG). Giá xăng có thể tăng 250 - 400 đồng/lít, giá dầu tăng cao hơn.

Tại kỳ điều hành trước (từ 15h ngày 13/6), Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng, dầu theo hướng tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 882 đồng/lít, lên 31.117 đồng/lít; RON95 tăng 797 đồng/lít, lên 32.375 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON95 vượt mốc 32.000 đồng/lít, cao hơn kỷ lục chưa từng có được thiết lập vào kỳ điều hành 1/6 vừa qua.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng mạnh 2.490 - 2.630 đồng/lít. Theo đó, dầu diesel tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, lên 29.020 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít, lên mức 27.839 đồng. Riêng dầu mazut giảm 544 đồng/kg, về mức 20.357 đồng/kg.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vận tải kêu "không thở nổi" trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao. Theo ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bắc Kỳ Logistics, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

“Doanh nghiệp vận tải vừa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì nay lại gặp thách thức lớn khi giá nhiên liệu tăng cao. Doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ ở một mức vừa phải để bù đắp chi phí. Nhưng nếu giá xăng dầu cứ tiếp tục tăng, doanh nghiệp chắc chắn thua lỗ dài dài", ông Nam nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

"Xăng dầu tăng khiếp quá, anh em làm vận tải chúng tôi sốc nặng, thở không nổi. Chúng tôi cũng biết xăng dầu tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng trong hoàn cảnh này, chỉ có đóng cửa nhà xe mới mong thoát lỗ”, ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp. “Doanh nghiệp vận tải vừa “chết hụt” vì dịch bệnh kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Giảm thuế bảo vệ môi trường nhỏ giọt sẽ không giải quyết được gì nhiều”, ông Bằng nhận xét.

Trước diễn biến tăng nóng của giá xăng dầu thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết năm.

Tác giả: HOÀ BÌNH

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP