Tổng thống Mỹ Barack Obama và Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Ảnh: ABC News
Bình luận viên David Brunnstrom của Reuters nhận định cố vương Bhumibol Adulyadej đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vững chắc mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Thái Lan từ sau Thế chiến II, cho đến sự ra đời và phát triển của ASEAN, tổ chức mà Washington coi là yếu tố then chốt để duy trì tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, Vua băng hà đúng vào thời điểm mà chính sách tái cân bằng, chuyển trọng tâm về đối ngoại và an ninh sang châu Á để đối phó với Trung Quốc của Mỹ, đang ở giai đoạn sa sút và gặp nhiều khó khăn.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trụ cột chính cho chiến lược xoay trục của Mỹ, đang bị bế tắc tại quốc hội và không có gì đảm bảo rằng Tổng thống Obama có thể thúc đẩy quốc hội thông qua hiệp định thế kỷ này trước khi rời nhiệm sở. Trong khi cả hai ứng viên tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đều phản đối TPP.
Từng là ngoại trưởng cũng như một kiến trúc sư của chính sách đối ngoại Mỹ năm 2009-2013, bà Clinton được đánh giá có thể khắc phục được tình hình, song việc duy trì cam kết an ninh với Đông Á sẽ là một dấu hỏi nếu ứng viên đảng Cộng hòa Trump thắng cuộc.
Nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh với Đông Nam Á của Tổng thống Obama đang phải đối diện với một thách thức mới. Những tuyên bố và lời lẽ thù hằn nhằm vào Mỹ của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khiến mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai đồng minh trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Malaysia đều đang tập trung vào các vấn đề chính trị nội bộ, không nắm vai trò lãnh đạo trong ASEAN, trong khi đồng minh truyền thống của Mỹ là Australia thì thận trọng, không muốn làm tổn hại đến quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Giảm nhiệt
Bất chấp những chỉ trích gay gắt về vụ đảo chính năm 2014, Mỹ vẫn giữ mối liên hệ về an ninh với Thái Lan, đặc biệt thông qua cuộc diễn tập Cobra Gold (Hổ mang vàng) hàng năm.
"Việc chúng tôi có thể duy trì sự hợp tác chặt chẽ và rộng rãi thông qua Cobra Gold cũng như các nỗ lực hợp tác khác, bất chấp bất đồng với chính quyền quân sự, là bằng chứng cho nền tảng vững chắc mà hai nước đã xây dựng", trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á Daniel Russel nhấn mạnh.
Chuyên gia Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ nhận định rằng có rất nhiều thay đổi xảy ra kể từ khi ông Obama tuyên bố chính sách "xoay trục" năm 2011.
"Việc Nhà vua Thái Lan băng hà sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn ở khu vực Đông Nam Á, một khu vực vốn đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây. Điều này khiến chính sách tái cân bằng của Mỹ trở nên khó khăn hơn vì tình hình ở nhiều nước trong khu vực đang ở trong trạng thái 'đợi chờ'", ông Hiebert tuyên bố.
Ông Hiebert đánh giá khi chính sách xoay trục mới được triển khai, Mỹ nhận được sự trợ giúp của Thái Lan, một nhà lãnh đạo mới ở Malaysia, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino, một Tổng thống theo chủ nghĩa quốc tế ở Indonesia. Nhưng tình hình hiện nay đã khác.
Nhà vua Thái Lan qua đời, trong khi Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn kế vị lại không có mối liên hệ mật thiết với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Washington càng gặp nhiều khó khăn.
Các quốc gia châu Á vẫn muốn thấy sự hiện diện của Mỹ tại khu vực do lo ngại về Trung Quốc, tuy nhiên tiến độ trục xoay đang ngày càng giảm đi, khiến cho sáng kiến này khó có thể được tái khởi động khi ông Obama rời nhiệm, Hiebert nhận định.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng