Xã hội

Vụ trưởng khoa ĐH bị tố cưỡng dâm: Ghi nhận từ nơi cô gái đang tạm lánh

Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển xác nhận chị V.N.H. - người gửi đơn tố giác ông L.M.T. (trưởng khoa một trường ĐH) xâm hại, đánh đập, đang ở trong Nhà bình yên từ ngày 13/3.

Cô gái đang đi tạm lánh

Liên quan đến vụ việc chị V.N.H. (trú tại Giảng Võ, Hà Nội) tố cáo ông L.M.T. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, hiện là trưởng khoa một trường đại học và chủ tịch một bệnh viện ở Hà Nội) có hành vi xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, đe dọa chị, trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), cho biết chị V.N.H. đang ở trong Nhà bình yên của Trung tâm từ ngày 13/3 tới nay.

Chị H. đang ở Nhà bình yên do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển quản lý (Ảnh: Thế Hưng).

Bà Hiền cho biết, sau khi nghe chị V.N.H. kể lại câu chuyện và nội dung tố cáo ông T., ngày 13/3, trung tâm đã tiếp nhận và hỗ trợ chị đến ở tại Nhà bình yên. "Nhưng Nhà bình yên không có đủ thẩm quyền để gắn cho ai một trách nhiệm nào", bà Hiền nói thêm, mục tiêu quan trọng của trung tâm là hỗ trợ nơi ở an toàn cho chị H.

Theo bà Hiền, qua trao đổi thì chị H. cho biết thường xuyên bị quấy nhiễu, đe dọa; hiện tâm lý chị H. rất bất ổn.

Cũng theo bà Hiền, theo quy trình, sau một thời gian chị H. ở Nhà bình yên, trung tâm sẽ họp về trường hợp của chị. Ban lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đang ưu tiên việc giúp chị H. ổn định tâm lý. Ngoài ra, trung tâm đang giúp chị này kết nối với luật sư để người tạm lánh hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Bà Hiền cho biết, do tâm lý bất ổn, chị H. chưa gặp bất kỳ ai, kể cả cơ quan công an. "Trước đó, Nhà bình yên đã gửi công văn tới cơ quan công an nơi H. tạm trú. Công an đã tới làm việc, nhưng do H. vẫn đang bất ổn tâm lý nên đã xin tạm hoãn", lãnh đạo trung tâm thông tin thêm.

Bà Hiền khẳng định, theo quy trình, trung tâm sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. "Trung tâm không có chức năng phân định đúng sai mà chỉ hỗ trợ cho thân chủ nơi tạm lánh an toàn và bình ổn tâm lý", Phó Giám đốc trung tâm nói rõ.

Đối với trường hợp mẹ của chị H., Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng đang tích cực kết nối để đưa bà về Nhà bình yên.

Hiện nay, chị V.N.H. đang ở cùng 10 người khác. Địa chỉ Nhà bình yên được giấu kín để đảm bảo cho người tạm lánh.

Nhà bình yên là gì?

Mô hình Nhà bình yên là ý tưởng của Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển là tổ chức tham mưu, đề xuất thành lập và vận hành mô hình trên. Nhà bình yên đã đi vào hoạt động được 5 năm.

Nhà bình yên được xây dựng với mục tiêu trở thành nơi tạm lánh. Người tới tạm lánh chỉ ở đây trong một thời gian nhất định. Tùy theo đối tượng, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển sẽ điều phối người tạm lánh tới một trong hai nơi phù hợp: Một nhà hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình xâm hại và một nhà hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về. Các Nhà bình yên đều được giữ bí mật về địa chỉ và sẽ thay đổi cơ sở nếu không còn an toàn.

Phụ nữ và trẻ em có nhu cầu có thể kết nối qua đường dây nóng tổng đài hoặc tới trực tiếp để tham vấn và sàng lọc. Nếu đủ tiêu chuẩn, những người này sẽ được vào ở tại Nhà bình yên.

Theo quy định, thời hạn ở Nhà bình yên của nạn nhân bị bạo lực và xâm hại là 3 tháng, nạn nhân bị mua bán trở về là 6 tháng. Tuy nhiên, nếu người tạm lánh chưa thực sự an toàn thì trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ. Tất cả chi phí đều được miễn phí.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Nhà bình yên có đầy đủ phòng chung (giường tầng), phòng mẹ và bé, nhà ăn và các phòng chức năng.

"Người tạm lánh sẽ phải học nội quy, quy định trong nhà. Người sống trong nhà bình yên phải dậy theo đúng giờ, dọn dẹp vệ sinh, nấu cơm và ăn theo giờ. Tại Nhà bình yên có quản lý nhà, bảo vệ 24/7, nhân viên công tác xã hội và quản gia. Quản gia sẽ có trách nhiệm nêu nội quy, quy định của nhà và sẽ cùng mọi người lên thực đơn, đi chợ cho cả tuần", lãnh đạo trung tâm cho hay.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, Nhà bình yên tự chủ và mở hoàn toàn, không đóng kín cửa nhốt người tạm lánh. Những người bình ổn tâm lý vẫn có thể đi làm bình thường.

"Vì ở đây không chỉ có phụ nữ nông thôn bị bạo lực bỏ nhà lên Hà Nội, rất nhiều trường hợp là giảng viên đại học, người làm việc tại đài truyền hình, công chức, viên chức,…", bà Hiền nói và thông tin thêm, cho đến nay, Nhà bình yên đã hỗ trợ người tạm trú đến từ 50 tỉnh và 17 vùng dân tộc.

Như đã đưa tin, thông tin với PV Dân trí tối 28/3, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết đã nhận được đơn tố giác đảng viên có dấu hiệu vi phạm tư cách, đạo đức nhà giáo đối với một Đảng viên (đang là trưởng khoa) thuộc Đảng bộ Trường Đại học Luật Hà Nội.

"Hiện nay, nhà trường đã giao cho các đơn vị chức năng trong trường tiếp nhận, thụ lý, xác minh, làm rõ và giải quyết theo thẩm quyền; đảm bảo khách quan, nghiêm minh, đúng quy định; kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), không né tránh, không bao che. Kết quả giải quyết vụ việc sẽ được nhà trường thông tin cụ thể" - vị đại diện thông tin thêm.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP