Bệnh nhân bị tai biến điều trị tại BV Bạch Mai. |
Bất ngờ với chất cấm
Vụ tai biến y khoa ở Hoà Bình đã khiến 8/18 bệnh nhân tử vong, 3 đối tượng liên quan bị bắt tạm giam để điều tra trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương đã khiến dư luận, đặc biệt là các bác sĩ lo lắng.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau sự cố tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình xảy ra, đội ngũ y, bác sĩ của Khoa hoang mang tâm lý. Nhiều người đặt cho ông câu hỏi, vậy làm sao bác sĩ biết được chất lượng của nguồn nước, của máy móc sau bảo dưỡng để yên tâm ký biên bản mà thực hiện y lệnh.
TS Dũng chỉ biết trấn an: “Hãy bình tĩnh, cố gắng làm tốt công việc thường ngày, rà soát kiểm tra lại các quy trình kỹ thuật. Riêng những hôm bảo dưỡng định kỳ, rửa đường ống, màng RO, tôi sẽ là người đến sớm nhất, là người ký và thực hiện quy trình, tôi đứng ra chịu trách nhiệm thì cán bộ nhân viên y tế mới yên tâm".
Với hệ thống máy chạy thận bao giờ cũng được bảo dưỡng định kỳ. Tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống tiền xử lý nước phải vệ sinh hàng ngày; màng RO hai tháng phải vệ sinh một lần; bồn đựng nước phải vệ sinh một lần/tháng.
Việc vệ sinh hệ thống hoàn toàn độc lập với việc làm các xét nghiệm. Định kỳ xét nghiệm phải làm đúng quy trình, để làm xét nghiệm lý hoá 2 tuần, xét nghiệm vi sinh 3 ngày tới 1 tuần, xét nghiệm độc tố có nhanh hơn, việc xét nghiệm độc lập với vệ sinh.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ thấy có vấn đề, chỉ cần một vài xét nghiệm bất thường thì phải vệ sinh hệ thống máy chạy thận nhân tạo.
TS Dũng nêu thí dụ, quy chuẩn quốc tế nếu vi khuẩn dưới 100 CFU/ml là phải xét nghiệm, nhưng thực tế nếu chỉ số này chỉ trên 50 đã phải tiến hành vệ sinh. Do đó, việc bác sĩ Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO khi đến thời hạn bảo dưỡng là hợp lý.
Điều các bác sĩ bất ngờ và đặt câu hỏi đó là trong sự cố vừa qua, bị can Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh – đơn vị được thuê lại để lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2) đã sử dụng hóa chất Axit Clohydric (HCL) và Axit Flohydric (HF) để sục rửa, làm tồn dư hóa chất trong đường ống dẫn nước vào máy lọc thận.
TS Dũng cho biết, trong quy định rửa hệ thống RO, rửa mỗi loại có các chất khác nhau rửa đường ống, rửa bồn, rửa bằng hoá chất chuyên dùng. Có 3 công đoạn rửa hoá chất đánh tan kiềm, rửa đánh tan axit, và chất sát trùng. Các chất đóng trên màng RO két màng không lọc được làm chất lượng nước giảm, chậm hơn. Các quy trình là rửa bằng axit, bazơ và sát trùng nhưng trong chất đóng cạn màng RO chất silic phải dùng axit HCL mới rửa được, nhưng HCL không mạnh bằng HF vì đây là axit cực độc.
TS Dũng nghi ngờ, có thể người rửa máy lọc nước RO không biết đây là hoá chất cực độc, người rửa có thể mua hoá chất lang thang vì rẻ. TS Dũng cho biết, bình thường hoá chất rửa này phải do Cục Dược quy định và cấp phép. Có thể người rửa không mua hoá chất chuẩn và hậu quả tất cả hệ luỵ phía sau thì mọi người phải chịu vì sự thiếu hiểu biết của chính người sục rửa hệ thống nước.
Nên xem xét vì sao có HF
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, HF tuyệt đối không được sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong công nghiệp để tẩy chất cặn… đây là hóa chất có tính ôxy hóa cực mạnh, nếu sử dụng vượt quá nồng độ cho phép sẽ phá hủy tế bào, làm vỡ hồng cầu, tê liệt thần kinh. Đặc biệt, hóa chất này sẽ gây ra các triệu chứng về tim mạch như loạn nhịp tim, làm người bệnh tử vong nhanh chóng.
Ngoài ra, nó cũng gây ra các rối loạn khác như thiếu canxi, gây đau xương, viêm gan… cho cơ thể.
Sự cố vừa qua tại Hòa Bình, cơ quan điều tra có công bố kết quả trưng cầu giám định ban đầu, có hóa chất HF với nồng độ rất cao trong hệ thống lọc nước là một sự bất thường (cao gấp 260 lần cho phép).
Thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh “hóa chất HF có mặt trong nguồn nước nằm ngoài danh mục được cấp phép của ngành y tế, ngoài quy trình của việc bảo dưỡng hệ thống máy chạy thận nhân tạo và là điều không ngờ tới với các cán bộ nhân viên y tế và cơ quan chức năng. Vì thế, với việc có mặt hóa chất bất thường, trái phép, dù có áp dụng quy trình đúng về mặt y tế cũng không thể nào loại trừ được sự cố xảy ra như vừa qua”.
TS Dũng cho rằng, nếu hôm đó bác sĩ có thử hoá chất tồn dư khó phát hiện. Thử clo thử kiềm cho kết quả nhanh nhưng không ai thử Flo bởi thử flo 14 ngày sau mới có kết quả.
“Tôi nghĩ trường hợp này bác sĩ có hỏi cặn kẽ thì người điều dưỡng cũng không nắm được. Nếu bác sĩ chậm trễ đi hỏi và test từng kỹ thuật thì có khi có người bệnh chết vì chậm chạy thận. Trong tai biến ở Hoà Bình nếu kết quả sửa xấu thì không bao giờ bác sĩ Lương ký y lệnh chạy thận”. – TS Dũng bày tỏ.
Tác giả: P.Thúy
Nguồn tin: Báo Infonet