Tin địa phương

Vụ đổi 100 USD: Không thể trả vật thu sai, tiền phạt sai là xong?

Vụ mua bán 100 USD mà số tiền phạt cho cả đôi bên lên đến hàng trăm triệu đồng lại còn bi tịch thu kim cương đá quý.

Vụ mua bán 100 USD mà số tiền phạt cho cả đôi bên lên đến hàng trăm triệu đồng lại còn bi tịch thu kim cương đá quý không liên quan gì đến vụ án làm người dân bàng hoàng sợ hãi. Mức phạt cao do quy định cứng nhắc sẽ được sửa chữa là đáng mừng. Người bán miễn phạt tiền, người mua được hoàn trả kim cương đá quý là “tang vật” và số tiền phạt 70 triệu làm người trong cuộc tạm yên lòng nhưng người ngoài cuộc thì vẫn bất an.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ

Bất an bởi nhiều uẩn khúc của vụ việc chưa được làm rõ: Vì sao lệnh khám xét có trước vụ mua bán đến 6 ngày, phải chăng các cơ quan chức năng đã tiên tri vụ việc? Vì sao việc vi phạm quả tang mà mãi 8 tháng sau mới lập biên bản?…

Ông Lê Hồng Lực chủ tiệm vàng Thảo Lực sẽ được trả lại số kim cương đã thu giữ khi xử phạt liên quan đến vụ đổi 100 USD.

Vì sao chủ tiệm vàng lại tự rút bỏ những nội dung khiếu nại hết sức chính đáng của mình? Vì sao các cấp cơ quan chức năng đều khẳng định bắt đúng, thu đúng, phạt đúng nhưng cuối cùng lại trả?

Như chúng tôi đã thông tin trong số báo tuần trước, vụ xử phạt mua bán 100 USD không chỉ bức xúc với người mua mà quan trọng hơn là việc tịch thu kim cương, đá quý tài sản riêng của người bán làm dư luận bàng hoàng.

Đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TP Cần Thơ báo cáo vụ việc. Những người đại diện cơ quan chức năng luôn khẳng định việc tịch thu, xử phạt là đúng, đương sự không khiếu nại. Nhưng ngày 2/11, ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực đã có đơn khiếu nại.

Chiều 6/11, tại Văn phòng UBND TP Cần Thơ, Phó chủ tịch Trương Quang Hoài Nam đã chủ trì buổi gặp gỡ, trao đổi với luật sư và ông Lê Hồng Lực, giám đốc Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jerwelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực).

Sau khi nghe ý kiến, đề xuất của đại diện các Sở ngành, ông Hoài Nam yêu cầu các cơ quan chức năng tham mưu, thực hiện các thủ tục cần thiết để hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2283 ngày 4/9 liên quan đến hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, trả lại toàn bộ tang vật gồm 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo cho phía Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jerwelry Thảo Lực. Trả lời báo chí căn cứ nào để UBND TP Cần Thơ hủy một phần quyết định xử phạt hành chính số 2283, trả lại tang vật 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo? Ông Trương Quang Hoài Nam giải thích là do có tình tiết mới phát sinh làm thay đổi cơ bản một phần nội dung của quyết định.

Theo đăng ký kinh doanh, trụ sở Công ty Thảo Lực tại tầng trệt, 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Công ty Thảo Lực có sổ riêng theo dõi việc mua bán kim cương, thể hiện từ ngày 1/6/2013 đến ngày 30/1/2018 Công ty Thảo Lực bán cho 30 khách hàng số tiền trên 3,3 tỉ đồng.

Ban đầu ông Lực thừa nhận toàn bộ sổ ghi nhận bán kim cương, nhưng sau đó thay đổi lời khai xác định chỉ bán hàng cho 11 trường hợp, với số tiền hơn 700 triệu đồng. Công an TP Cần Thơ đã xác minh được 8 trường hợp cụ thể trong số 11 trường hợp trên.

Như vậy, đủ cơ sở xác định Công ty Thảo Lực có mua bán kim cương. Toàn bộ số kim cương bị tạm giữ được cất tại tầng trệt là địa điểm kinh doanh của Công ty Thảo Lực (không có phòng riêng của gia đình).

Đối với 20 viên kim cương bị tạm giữ này, ban đầu ông Lực khai Công ty Thảo Lực nhận gia công và cung cấp 5 đơn đặt hàng gia công. Khi Công an thành phố đi xác minh thì những người ký tên trong đơn đặt hàng đều phủ nhận quan hệ gia công với Công ty Thảo Lực. Sau đó ông Lực lại thay đổi lời khai là mua kim cương không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đối với 19.910 viên đá nhân tạo để gắn vào nhẫn cũng bị thu giữ trong tủ đựng kim cương, ông Lực khai là mua tại chợ Hòa Bình, TP HCM không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Kết hợp các yếu tố Công ty Thảo Lực có hoạt động mua bán kim cương; sản xuất nhẫn có gắn đá nhân tạo; kim cương và đá nhân tạo được cất tại khu vực kinh doanh của Công ty;

Đối với kim cương, ông Lực khai lần đầu là gia công, lần sau là mua không hóa đơn chứng từ như với đá nhân tạo nên có thể xác định Công ty Thảo Lực kinh doanh 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trên không có nguồn gốc, xuất xứ. Trên cơ sở đó Công an TP trình UBND TP quyết định xử phạt đối với hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Trả lại tang vật do chủ thay đổi lời khai

Ông Trương Quang Hoài Nam giải thích rằng, sau khi đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính, ông Lực đã có “Đơn đề nghị xem xét nhận lại tài sản” gửi UBND TP Cần Thơ. Trong đó, ông nêu rõ: “Do không hiểu biết pháp luật nên đã không trình bày rõ nguồn gốc số tài sản này với cơ quan có thẩm quyền”, nay ông trình bày kỹ rằng nguồn gốc là tài sản tích lũy nhiều năm, không kinh doanh nên không quan tâm đến hóa đơn chứng từ. Sau khi nhận được đơn, Chủ tịch UBND TP đã giao cho các cơ quan chức năng xác minh lại sự việc.

Quá trình xác minh được tiến hành nghiêm túc, khẩn trương, trên nguyên tắc có lợi cho doanh nghiệp và nhận thấy tính đặc thù trong trường hợp này là địa chỉ kinh doanh của Công ty Thảo Lực lại cũng là chỗ ở của gia đình ông Lực, ông có thể để tài sản cá nhân tại địa điểm kinh doanh, không nhất thiết tài sản ấy là hàng hóa kinh doanh.

Trong đơn đề nghị và tại cuộc gặp, ông Lực đã trình bày cụ thể việc không kinh doanh số hàng trên. Vận dụng nguyên tắc có lợi cho doanh nghiệp, sau khi xác minh, các cơ quan chức năng đã thống nhất cho rằng: đây là tình tiết mới làm thay đổi nội dung của quyết định.

Vì thế, căn cứ khoản 9 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP, người đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính có quyền hủy bỏ một phần quyết định đã ban hành. Ông Trương Quang Hoài Nam đã nhấn mạnh lòng bao dung của chính quyền TP Cần Thơ là luôn đặt mục tiêu hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển: “Chính vì thế, chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của công luận để hoàn chỉnh hơn nữa các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, làm sao phục vụ doanh nghiệp một cách tốt nhất” .

Việc khám xét, lập biên bản…chưa được giải thích

Lý lẽ của ông Trương Quang Hoài Nam lần này rất cởi mở làm người nghe hởi lòng hởi dạ, hoàn toàn khác hẳn quan điểm cứng nhắc, là thu giữ đúng, xử phạt đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong sự thay đổi mang tính bước ngoặt này có những câu hỏi chưa có lời đáp về hành vi khó hiểu thậm chí có thể gọi là sai phạm của các cơ quan trách nhiệm trong xử lý vụ việc này mà báo chí nêu ra, đương sự cũng khiếu nại nhưng không được ông Trương Quang Hoài Nam giải đáp.

Đơn khiếu nại của ông Lực ngày 2/11 nêu 5 vấn đề: Quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm chính là chỗ ở do Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký là không đúng về nội dung và hình thức. Đặc biệt, quyết định khám xét được ban hành trước ngày bắt quả tang hành vi vi phạm hành chính 6 ngày là không có căn cứ pháp luật.

Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngày 30/1, cơ quan chức năng đã tạm giữ tang vật của tổ chức vi phạm là Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực là không có căn cứ; Biên bản vi phạm hành chính ngày 13/8 cũng vi phạm nghiêm trọng về mặt nội dung và hình thức.

Cũng trong đơn, người khiếu nại cho rằng Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 4/9 của UBND TP Cần Thơ không đúng pháp luật, bởi quyết định này căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính ngày 13/8 để ban hành, tuy nhiên vào ngày này không xảy ra hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, chủ tiệm vàng cho rằng 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo bị tịch thu là tài sản riêng, được cất giữ trong hộc tủ của gia đình, không được trưng bày và bày bán, không phải là tang vật trong hành vi mua bán ngoại tệ trái phép nên việc tạm giữ là không có căn cứ và không đúng theo trình tự tạm giữ tang vật.

Rõ là những vi phạm này của cơ quan chức năng có dấu hiệu lạm quyền và tạo ra những tiền lệ hết sức nguy hiểm: Bất cứ tài sản nào của các hộ kinh doanh để trong nhà riêng dù là tài sản cá nhân tài sản ký gởi …cũng có thể bị tịch thu và quy vào tội kinh doanh trái phép.

Muốn bảo vệ tài sản an toàn không bị tịch thu chỉ có cách niêm phong treo bản hiệu tài sản riêng không mua bán. Việc lệnh khám xét có ký sáu ngày trước khi việc vi phạm quả tang xảy ra làm người ta càng khó hiểu.

Một vụ việc mua bán 100 USD cỏn con bị bắt quả tang mà mất 8 tháng để lập biên bản vi phạm sau đó ra quyết định xử phạt làm người ta băn khoăn về phẩm chất và năng lực của người thực thi công vụ. Khi dư luận cả nước ầm lên, Quốc hội lên tiếng, Chính phủ lên tiếng người ta cũng không thấy sai, chỉ mở lòng bao dung trả lại tài sản và tiền phạt để thể hiện lòng từ bi với người kinh doanh thì càng khó hiểu.

Càng khó hiểu hơn nữa, khi người khiếu nại tự dưng sửa đổi nội dung khiếu nại của mình, bỏ đi những thắc mắc về sai phạm thẩm quyền, thời gian,…. chỉ giữ lại phần đòi tài sản. Nếu chỉ trả lại tiền và vật thu giữ trái phép và lấp liếm bỏ qua những khuất tất chưa được làm sáng tỏ thì chính quyền dường như đang tiếp tục nuôi dưỡng những mầm mống phạm pháp trong guồng máy của mình.

Tác giả: Anh Kiệt

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP