Lý do của việc miễn tiền phạt này là: ông có thu nhập không cao, có hạn chế về kiến thức pháp luật.
Ngặt nỗi sự châm chước ấy không bảo đảm đúng với quy định của các điều 76, 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) về miễn, giảm tiền phạt. Theo đó, không phải bất kỳ ai không có khả năng đều được xét miễn, giảm tiền phạt. Chỉ có những người “đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn” mới được miễn, giảm.
Với mức phạt 90 triệu đồng mà ông thợ điện Cà Rê (và số đông người dân mắc lỗi tương tự) không tài nào đóng nổi nhưng ông có thuộc diện “khó khăn đặc biệt…” hay không mà UBND TP Cần Thơ lại miễn tiền phạt cho ông?
Cần thiết hỏi ngược như vậy để lưu ý với chính quyền không phải muốn làm gì thì làm, không phải muốn phạt ai là phạt bằng được, muốn tha là tha bất chấp. Bất kể nguyên do nào, cả khi ông Cà Rê là “chim mồi” đúng như đồn đoán hay không có việc “gài bẫy” đúng như phủ nhận của đại diện Công an TP Cần Thơ thì các quyết định xử lý chính thức đối với ông đều buộc phải tuân thủ đúng luật định.
Nếu ông Cà Rê không thuộc diện được miễn tiền phạt và ông cũng không có tài sản, thu nhập ổn định nào khác để chính quyền cưỡng chế thu tiền phạt thì quyết định xử phạt ông có thể được xếp lại. Việc miễn dễ dãi như một cách đối phó với dư luận khiến uy tín của chính mình càng giảm sút là điều mà UBND TP Cần Thơ không được phép làm.
Điều quan trọng là cần nghiêm túc xem xét lại quyết định xử phạt ông Cà Rê có thực sự đúng Luật XLVPHC hay chưa để có những động thái phù hợp thì rất tiếc chính quyền TP Cần Thơ chưa làm. Bởi lẽ rõ rành rành việc bán ngoại tệ của ông Cà Rê là hành vi vi phạm hành chính. Vậy tại sao phát hiện có việc bán vào ngày 30-1 mà phải đến ngày 13-8 (gần tám tháng sau) mới lập biên bản vi phạm hành chính? Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã kiểm tra, rà soát thế nào mà lại ký ban hành quyết định xử phạt dựa trên biên bản lập quá hạn cho phép đó?
Lời giải thích có thể là những người lập hồ sơ lúc đầu đã nhăm nhe đến việc xử lý hình sự chủ tiệm vàng về tội trốn thuế. Đến khi không thể khởi tố liền chuyển qua phạt hành chính nhiều hành vi khiến thời gian lập biên bản bị kéo dài. Tuy nhiên, cái nào ra cái đó, sai phạm của ông Cà Rê đơn thuần là vi phạm hành chính thì phải được tách ra ngay để xử lý đúng Luật XLVPHC. Nếu làm khác đi thì có nghĩa là chính quyền đã làm sai.
Chưa kể nhiều quy định của Nghị định 96/2014 rất không phù hợp với Luật XLVPHC. Đơn cử là mức xử phạt hành vi mua bán ngoại tệ đã có sự cào bằng không hợp lý; không căn cứ vào thu nhập, mức sống trung bình của người dân; không bảo đảm được tính khả thi của việc áp dụng. Cùng với đó, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật lẽ ra chỉ được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý thì lại được đề ra tràn lan (bán 50 USD, 100 USD cũng bị đối xử như bán hàng ngàn, triệu USD…).
Với những quy định xử phạt hà khắc dành cho việc bán 100 USD như thế, UBND TP Cần Thơ có nên tiếp tục duy trì một quyết định xử phạt để… cho có và cũng không đúng quy định do dựa trên biên bản lập không kịp thời theo yêu cầu của Luật XLVPHC? Hay chính quyền nơi đây cần sòng phẳng làm không đúng thì phải rút lại để ông Cà Rê không dính tiền sự oan uổng?
Câu trả lời là nên rút lại. Rút càng sớm càng tốt để các thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.
Tác giả: THU TÂM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM