Các học sinh tham gia trò chơi "chuyền thẻ bằng mặt" |
Hai ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền một clip ngắn do một học sinh của Trường THPT Thực hành Sư phạm (trường ĐH Cần Thơ) quay các học sinh lớp 10, 11 đang hào hứng tham gia trò chơi được cho là “phản cảm”.
Có thể mô tả, cách chơi của trò chơi này là các học sinh nằm ngửa thành hàng, người thứ 1 để thẻ (giống thẻ ATM) lên mặt ở vị trí môi và mũi, người thứ 2 chồm lên người thứ 1 dùng mặt của mình chạm vào mặt bạn (lúc này người thứ 2 nằm trên chống tay vào vai người thứ 1), cả hai phải giữ cho thẻ không bị rơi, rồi lăn 1/2 vòng về phía người thứ 3, (lúc này người thứ 1 hoàn thành nhiệm vụ, người thứ 2 nằm ngửa giữ thẻ), cứ thể người thứ 3 chồm lên để chuyền thẻ sang người thứ 4, thứ 5... cho đến khi cán đích. Đội nào cán đích sớm và thẻ không bị rơi sẽ giành chiến thắng.
Sau khi clip đăng lên, nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” kèm theo những phê phán nặng nề. Có người gọi trò chơi trên là “dâm ô”, “khiêu dâm”, thậm chí dùng nhiều lời lẽ tục tỉu còn cho rằng trường ép học sinh phải chơi trò chơi để “làm quen với chuyện người lớn”, ai không làm tham gia sẽ bị hạ hạnh kiểm…
Trường THPT Thực hành Sư phạm thuộc trường Đại học Cần Thơ |
Tuy nhiên, sau những “ồn ào” và nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng, Ban giám hiệu Trường THPT Thực hành Sư phạm cũng đã đề nghị học sinh gỡ clip đăng trện mạng. Trường cũng có báo cáo sự việc tới Trường ĐH Cần Thơ và Sở GD-ĐT Cần Thơ; đồng thời xin ghi nhận và chấn chỉnh những điều chưa phù hợp trong quản lý trò chơi học sinh.
Chia sẻ rõ hơn với trò chơi bị cho là “phản cảm” trên, PGS.TS Trần Văn Minh, Phó trưởng Khoa Sư phạm, kiêm Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm (ĐH Cần Thơ), cho biết trò “Chuyển thẻ bằng mặt” không phải do học sinh của trường nghĩ ra mà có xuất xứ từ Nhật Bản. Trò này nằm trong chương trình sinh hoạt “Trò chơi lớn” dành cho học sinh của trường đã được Ban giám hiệu trường giao cho Đoàn trường tổ chức. Hoạt động trên được tổ chức dịp đầu năm học nhằm tạo sự thoải mái, đoàn kết cho các học sinh bước vào năm học mới.
Cụ thể, sáng ngày 19.8 (chủ nhật), “Trò chơi lớn” được tổ chức với một chuỗi liên hoàn các trò chơi vận động và tư duy bao gồm: giải mật thư, nấu mì, chuyền thẻ bằng mặt, khiêng kiệu, oẳn tù tì, thổi bong bóng, team building… Mỗi đội chơi (1 lớp) có 14 thành viên, sẽ phải vượt qua 4 trạm và mỗi trạm là một thử thách khác nhau. Tại trạm thứ 3, được xem là trạm khó và mất nhiều thời gian với trò “Chuyền thẻ bằng mặt”. Ban đầu, các học sinh xếp thành hàng nam và nữ riêng. “Tuy nhiên, trong quá trình chơi, nếu vượt qua trạm thứ 3 sớm sẽ gần như chiến thắng, nên các đội chơi đều nôn nóng về đích sớm, nhiều em đã không ngại phối hợp cùng bạn khác giới để chuyền thẻ”, N.N.T.Q, một học sinh lớp 12 nằm trong ban tổ chức nói.
Dù chỉ bị Ban giám hiệu nhắc nhở, nhưng M.K, học sinh đã đăng clip lên Facebook, tỏ ra buồn bã, K. cho biết: “Những hình ảnh vui chơi của tụi em và clip chỉ mang tính chất chia sẻ với bạn bè cùng trang lứa lưu giữ kỷ niệm. Ngoài ra, không có mục đích gì khác. Tụi em tham gia trò chơi rất vui và không hề có những ý như các anh, chị, cô chú chia sẻ trên mạng xã hội”.
Còn T.N.Đ, học sinh lớp 11, người trực tiếp tham gia trò chơi cũng chia sẻ suy nghĩ: “Khi chơi, tụi em chỉ nghĩ là làm sao nhanh nhanh về đích. Chỉ tập trung giữ cho thẻ không rơi, ai cũng cố gắng chống tay không ôm vào người bạn. Tụi em chơi rất vui, không hề có chuyện đụng chạm quá mức. Tại sao nhiều người lại nghĩ tụi em chơi trò phản cảm như vậy trong khi tụi em không hề thấy”. Cũng tham gia chơi trò chơi trên, N.N.A.K nói, “Những hình ảnh trong clip góc quay cũng như nhiều tấm ảnh chụp lại khác rất xa với thực tế tụi em chơi bên ngoài”.
Mặc dù các học sinh đều ngỡ ngàng với nhiều ý kiến “ném đá” trò chơi trên mạng xã hội thì cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng đang có sự áp đặt quá mức về suy nghĩ đối với các học sinh.
Một bạn trẻ tên N.N.T.T, bình luận rằng: “Thế hệ lớn áp đặt quá nhiều. Nhiều khi chơi không khí hào hứng bạn bè hò hét không nghĩ gì đâu, có phải đưa 1 nam 1 nữ vào phòng chơi riêng đâu mà kích dục. Nhiều người lên án cứ như ổ mại dâm bị phát giác. Tụi học sinh đọc được chắc tổn thương lắm”.
Một cựu sinh viên Trường ĐH Cần Thơ là N.H.Đ.T chia sẻ quan điểm: “Chúng ta, ta đều biết những chuyện này như thế nào. Nhớ lại mà cười thầm vì đã trải qua tuổi thơ "được nhiều người lên án" như thế”.
Có vẻ triết lý hơn, bạn V. H. Th, SV Ngành sư phạm Pháp văn, ở Cần Thơ nêu ý kiến: “Sự dâm dục không nằm trong trò chơi, không nằm trong những bạn học sinh. Nó nằm trong suy nghĩ và cái nhìn lệch lạc của người phán xét nó”.
Tác giả: Đình Tuyển
Nguồn tin: Báo Thanh niên