Trong nước

Vụ cha vợ chém chết con rể: Nước mắt nghẹn ngào của những người chị, người vợ, người con tại tòa

Tại phiên tòa xử cha vợ giết con rể rồi chở xác đi đầu thú, cả gia đình bị cáo lẫn người bị hại đều có những nỗi đau riêng khó nói thành lời.

Vụ chở xác con rể ở Sài Gòn: Cha vợ nói gì tại tòa?
Ngày mai xét xử người đàn ông chở xác con rể đi đầu thú

“Bác Nam ở trong ấy giữ sức khỏe nha”

Sáng nay, tại phiên tòa, gia đình ông Nam có mặt khá đầy đủ. Vừa nhìn thấy chồng được dẫn giải ra vành móng ngựa, bà Nguyễn Thị Phượng (60 tuổi, vợ ông Nam) chỉ biết lau nước mắt. Phía sau, các con của ông cũng nước mắt rơi giọt ngắn giọt dài.


Dáng ngồi khắc khổ của ông Nam.

Bà Phượng chia sẻ, từ ngày chồng bị bắt bà suy sụp. Con rể bị chính chồng giết, chồng bị bắt, còn nỗi đau nào khó nguôi ngoai hơn. Bà nghẹn ngào nói: “Từ sau khi ông ấy bị giam, tôi vào thăm hai lần nhưng chỉ gửi quà mà không được gặp trực tiếp. Giờ mới thấy ông, tôi thương quá chỉ muốn chạy lại mà không được”.


Bà Phượng (ngoài cùng bên phải).

Suốt phiên tòa, bà Phượng chỉ ngồi lặng lẽ. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (vợ nạn nhân Việt) cùng mấy cháu nội và ngoại hiện đang sống cùng bà Phượng. Ngày xử cha, chị Hiền cũng có mặt. Có lẽ do quá đau buồn, khi ai tới gần hỏi han, chị Hiền lại vội quay mặt đi.


Chị Hiền quay mặt đi mỗi khi có người hỏi thăm.

Chị Hiền đã quay trở lại làm công nhân may như thời gian lúc đầu để phụ bà Phượng. Bà vẫn tiếp tục buôn bán ngoài chợ để nuôi những đứa trẻ đang ở tuổi ăn học. Mấy mẹ con phải nương tựa vào nhau để sống.

Hỏi về mức án, bà Phượng cho biết, chỉ mong chồng sớm được thả ra. “Viện kiểm soát đề nghị 2 năm tù tôi cũng biết vậy, chỉ mong mức án càng nhẹ càng tốt. Ai cũng hiểu và cảm thông vì ông ấy vốn hiền lành nhưng do không thể kìm nén được bức xúc lâu ngày”, bà ngậm ngùi.


Bà Phượng cho biết, nửa năm nay chưa được thấy mặt chồng.

Dù khóc nhiều nhưng khi chồng được dẫn giải ra xe về lại trại giam, bà Phương cùng các con vẫn cố gắng tươi tỉnh, vẫy tay chào. Đứng trước bậc tam cấp, những người thân của ông Nam nhanh chóng giơ tay chào khi bị cáo vừa dẫn giải ra cùng lời nhắn: “Bác Nam ở trong ấy nhớ giữ sức khỏe nhé”.


Gia đình ông Nam vẫy tay chào.


Đáp lại là nụ cười của bị cáo nhìn nhìn thấy gia đình.

Theo lời bà Phượng, từ ngày xảy ra vụ việc, phía gia đình bị hại cũng hạn chế qua lại. Dù vậy, gia đình bà lúc nào cũng cảm thấy có lỗi. Bà Phượng vẫn gom góp tiền bồi thường để trả cho phía nhà nạn nhân (cũng là con rể của mình).

Mong cho con trai nạn nhân bớt ám ảnh

Tại phiên tòa, chị Tôn Thanh Thảo (chị ruột nạn nhân) nhiều thời điểm không kiềm chế được cảm xúc, bật khóc nức nở khi được tòa đặt câu hỏi. Chị Thảo nói: “Tôi gần như đứng giữa hai bên, vừa thương chú Nam, thương em ruột bị sát hại lại khó xử với gia đình chú ấy quá”.


Chị Tôn Thanh Thảo, chị ruột nạn nhân.

Chị Thảo kể, cha mẹ mất sớm từ khi chị đôi mươi. Vì vậy, chị Thảo không chỉ làm chị mà còn gánh cả trọng trách làm mẹ với cậu em Tôn Thanh Việt, thua mình hơn 10 tuổi. Khi Việt đến tuổi lập gia đình, chính tay người chị đứng ra tổ chức đám cưới.

“Thằng Việt với vợ nó mâu thuẫn thế nào thì tôi không rành hết. Nhưng Việt cũng lành tính, có điều khi nhậu xỉn thì hay nói này nọ. Lúc gây sự với chú Nam nó cũng không cầm hung khí gì. Giá như chú Nam kiềm chế thêm thì… Nhưng chú đã ra tay nặng quá. Nghĩ đến cảnh chú chở xác em trai, tựa như chở con thú tôi đau lòng lắm”, chị Thảo nghẹn ngào.


Chị Thảo cho biết, cũng thương chú Nam nhưng chú ra tay nặng quá.

Đại diện cho gia đình bị hại, chị Thảo cho biết, không có yêu cầu bồi thường gì. Theo chị, mức bồi thường 48 triệu thực ra hoàn toàn là chi phí mai táng. Chị chia sẻ: “Trong mỗi người đều có tòa án lương tâm. Em tôi cũng không sống lại được nên đòi bồi thường có ích gì. Chú Nam ra tù sớm thì cũng tốt cho gia đình chú. Tôi cũng không có đề nghị nào về mức án, tòa xử sao thì chấp nhận vậy”.

Với chị Thảo, điều lo lắng nhất bây giờ là đứa con duy nhất của anh Việt. Chị bảo, thằng bé mới 12 tuổi mà lại chứng kiến toàn bộ sự việc đau lòng nên giờ rất ám ảnh. Con trai anh Việt đang ở với bà ngoại, chị mong gia đình bên ấy đừng nhắc chuyện cũ, khiến bé khó quên, càng thêm tổn thương.

“Vụ việc mới xảy ra có nửa năm, khó mà nguôi ngoai ngay nên gia đình tôi cũng hạn chế đi lại với nhà chú Nam. Không phải là không muốn gặp mặt nhau nhưng nỗi đau lớn quá. Thỉnh thoảng tôi vẫn mua quà cho con của Việt hay qua chở cháu đi học”, chị Thảo tâm sự.


Bị cáo Nguyễn Văn Nam bị đề nghị mức án 2 năm tù.

Tại phiên tòa, ông Nam thành khẩn nhận tội, gửi lời xin lỗi gia đình thông gia. Theo quan điểm của VKS, việc truy tố bị cáo tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh là phù hợp. VKS đề nghị mức án từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù.

Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy, vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Vào sáng 15/11 TAND TP. HCM đưa ra xét xử ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, quận Gò Vấp, TP. HCM) về tội giết người với hành vi dùng dao chém chết anh Tôn Thanh Việt (34 tuổi, con rể ông Nam).


Toàn cảnh phiên tòa sáng 15/11.

Trước đó, chiều ngày 14/5, ông Nam thấy anh Việt đi nhậu về đứng trước nhà chửi bới và có hành vi xô xát với con gái thứ của mình. Không kiềm chế được, ông Nam chạy vào nhà lấy con dao chém nhiều nhát vào vai và đầu con rể khiến nạn nhân gục chết ngay tại chỗ. Sau khi gây án, ông Nam chở xác Việt đến Công an đầu thú.

Tác giả bài viết: Như Quỳnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP