Thế giới

Vụ án đào mộ, trộm thi thể chấn động Trung Quốc

Một trăm ngày sau khi bố mất, họ quay lại mộ ông để quét dọn. Nhưng kỳ lạ thay, ngôi mộ trống không, chiếc quan tài bị đập vỡ và thi thể cha họ biến mất.

Cuối năm 2020, cảnh sát Trung Quốc bắt đầu điều tra một vụ bê bối ở Sơn Đông. Trong vụ này, một số quan chức địa phương bị cho là đã đào xác chết và đốt để lấy giấy chứng nhận hỏa táng cho những gia đình đã bí mật chôn cất người thân của họ.

Câu chuyện này lần đầu tiên trên Tạp chí Kinh doanh Trung Quốc và sau đó được nhiều tờ báo khác đăng tải. Dưới đây là phần tổng hợp lại của tạp chí Đệ lục thanh, với sự cho phép của các tờ báo nói trên.

Đệ lục thanh viết: “Khi ba người con trai bí mật chôn cất cha mình trong khu rừng nằm giữa hai tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, họ đã làm đúng theo các phong tục mai táng ở địa phương. Điều này có nghĩa là họ cố tình không hỏa táng người thân theo quy định của pháp luật Trung Quốc. Một trăm ngày sau khi bố mất, họ quay lại mộ ông để quét dọn”.

Nhưng kỳ lạ thay, ngôi mộ trống không, chiếc quan tài bị đập vỡ và thi thể cha họ biến mất.

Ảnh trái: Giấy chứng nhận hỏa táng được cấp cho gia đình Lý Trình Bân. Ảnh phải: Chiếc quan tài trống trước đây giữ thi thể Lý Trình Bân ở thôn Lý Trang, tỉnh Sơn Đông.

Đó là tháng 4/2019. Hơn một năm sau, chính quyền địa phương xác nhận hài cốt của cha họ đã được khai quật mà không có sự đồng ý và hỏa táng thay cho một phụ nữ đã chết cũng được chôn cất trong bí mật. Lý do: để có được giấy chứng nhận hỏa táng giả mạo cho gia đình của người phụ nữ kia.

Trường hợp của gia đình ba anh em nhà nọ không phải là duy nhất. Vụ thi thể cha họ biến mất là một phần của một loạt các vụ “trộm và hỏa táng thi thể” trong khu vực. Hai gia đình khác ở thị trấn Ngỗ Lâu của Sơn Đông cũng báo công an rằng thi thể của người thân của họ bị đánh cắp trong giai đoạn từ tháng 2 -4/2019.

Cho đến nay, giới chức đã tiến hành các thủ tục tố tụng đối với ba nghi phạm, bao gồm hai bí thư thôn, những người biết nơi chôn cất các thi thể và có thể lấy được giấy chứng nhận bất hợp pháp, và tài xế xe tải của lò hỏa táng địa phương, người đã chở xác từ các khu mộ đến lò đốt.

Ba người con trai đã đến gặp cảnh sát sau khi họ khám phá ra chuyện một bí thư thôn chỉ đạo khai quật thi thể để ngụy tạo giấy chứng nhận. Trước đó, chính ba anh em nhà này đã lót tay vị bí thư thôn, cũng là người trong họ, 13.000 nhân dân tệ (1.900 USD) để làm giấy chứng nhận hỏa táng giả mạo và đảm bảo rằng cha của họ sẽ được chôn cất.

Người dân địa phương tin rằng chuyện động trời này xảy ra xuất phát từ các động thái của chính quyền địa phương nhằm tăng tỷ lệ hỏa táng, coi đây là một trong các nỗ lực cải cách các thủ tục tang lễ có từ xa xưa. Chiến dịch này, được ráo riết thực thi từ năm 2019, đã tạo ra áp lực buộc các quan chức phải đáp ứng chỉ tiêu hỏa táng “trên giao”. Và đây là ​​kết quả: Tỷ lệ hỏa táng tổng thể ở thành phố Hà Trạch của Sơn Đông có thị trấn Ngỗ Lâu nơi ba anh em nhà nọ sinh sống, thậm chí đạt 130,7% kế hoạch vào tháng 12/2018 và 127,9% vào tháng 1/2019 - khi các nhà chức trách bắt đầu khai quật nhiều xác hơn để hỏa táng.

Và trong lúc ​​tỷ lệ hỏa táng tăng vòn vọt, một số quan chức địa phương đã tìm thấy cơ hội làm giàu: họ cung cấp giấy chứng nhận hỏa táng cho những gia đình đã bí mật chôn cất người thân bằng cách khai quật các thi thể bị đánh cắp từ nhiều ngôi mộ rải rác trong khu vực. Thi thể được mang đi hỏa táng, đổi lại là giấy chứng nhận hỏa táng nhưng với danh tính khác.

Đổi giấy lấy tiền

Ở những ngôi làng xung quanh thị trấn Ngỗ Lâu, người dân địa phương thường che giấu chuyện nhà có người già qua đời. Giữ truyền thống, nhiều người tìm cách chôn cất người chết trong bí mật, tránh để bị buộc phải hỏa táng thi thể.

Ở một số vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều người già vẫn muốn được chôn cất theo cách truyền thống

Và các con trai của ông Lý Trình Bân - trưởng thôn hiện đã nghỉ hưu Lý Trình Đức, hai doanh nhân Lý Thanh Hoa và Lý Trình Hải - cũng không ngoại lệ.

Gia đình họ sống ở thôn Lý Trang. Đây là nơi giáp ranh giữa tỉnh Sơn Đông và tỉnh Hà Nam. Phía bắc là thị trấn Ngỗ Lâu, là một phần của huyện Tào thuộc thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông. Phía nam là thôn Thôi Lâu, huyện Lương Viên, thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam.

Sau khi ông Lý Trình Bân qua đời ở tuổi 86 vào ngày 25/12/2018, người con trai cả Lý Trình Đức đã đến gặp Lưu Kim Hoa ở thôn Thôi Lâu, bên đất Hà Nam. Có mối quan hệ tốt trong khu vực kể từ khi còn là bí thư thôn, Trình Đức biết cách sống kín tiếng.

Dáng người mảnh khảnh, đang ở độ tuổi ngoài 30 tuổi, Lưu chuyên làm công việc chôn cất. Trước khi ông Lý Trình Bân chết, ba anh em họ Lý đã tìm Lưu để yêu cầu thu xếp cho cha họ một khu mộ kín đáo.

Họ trả Lưu 480 nhân dân tệ cho quần áo mai táng, 3.000 nhân dân tệ cho một chiếc quan tài và 600 nhân dân tệ mai táng phí. Vào đêm ông Lý qua đời, ba anh em đã bí mật chôn cất ông dưới sự giám sát của Lưu.

Nhưng đến tháng 2/2019, bí mật đó đã bị bại lộ.

Anh họ của anh em nhà Lý là Lý Lượng - cũng là bí thư hiện tại của thôn Lý Trang - nói với họ rằng ai đó đã trình báo về việc chôn ông Lý, và xác chết sẽ phải được khai quật để hỏa táng. Trình Đức nhớ lại đã thảo luận về việc hỏa táng với anh em trong nhà. Anh nói: “Nếu phải hỏa táng, thì cứ như vậy đi. Chúng ta chỉ cần đào xác lên. "

Sau đó, Lý Lượng nhanh chóng đưa ra cho họ một giải pháp thay thế: Ông Lý Trình Bân có thể được chôn cất, và nhà họ Lý có thể nhận được giấy chứng nhận hỏa táng. Nhưng họ sẽ phải chi 30.000 nhân dân tệ (tương đương gần 4.400 USD tại thời điểm đó). Ba anh em họ Lý chùn bước trước số tiền đó và quyết định sẽ hỏa táng bố. Lý Lượng sau đó đã hạ giá xuống còn 13.000 nhân dân tệ.

Nhà họ Lý đồng ý. "Mỗi người chúng tôi bỏ ra vài nghìn nhân dân tệ và đưa tiền cho anh ta", Trình Đức, người anh cả, cho biết.

Một tháng sau, Lý Lượng giao giấy chứng nhận hỏa táng, trong đó ghi tên, giới tính, tuổi, quê quán và thời gian hỏa táng của Lý Trình Bân. Ngày hỏa táng được viết là 22/3/2019.

Nhưng không giống như các giấy chứng nhận hỏa táng khác, tài liệu này có thêm vài từ: “thi thể được khai quật”.

Với tờ giấy này, Lý Trình Đức tin rằng gia đình mình đã được "bảo hiểm", nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ khi ba anh em đến khu mộ để dọn dẹp vào ngày 4/4/2019. Người em út Trình Hải nhận thấy có điều gì đó không ổn. Anh nói: “Đất đã bị đào bới”.

Nhìn kỹ hơn, anh thấy những đồ trang trí truyền thống được chôn cùng với quan tài nằm trên mặt đất. Khi cạo đi một lớp đất mỏng, anh nhận thấy đinh của quan tài đã bị cạy ra và lớp vỏ bọc màu đỏ đã biến mất.

Trình Đức ngay lập tức quay sang Lý Lượng, người đang ở khu mộ với họ, nói: “Anh đã khiến tôi phải chi quá nhiều tiền. Anh là bí thư thôn. Tôi muốn câu trả lời”.

Nhưng theo Trình Đức, Lý Lượng chỉ cố tìm cách giải thích.

Trình Đức vẫn tiếp tục truy vấn: "Ai được cấp giấy chứng nhận hỏa táng sau chúng tôi?"

“Có thể đi hỏi Vương Hoành Triển về mẹ anh ta”, Lượng trả lời.

Trình Đức đáp ngắn gọn: “Thi thể của cha tôi đã bị đánh cắp. Tôi nói chuyện với Vương thì không hay. Anh phải đi”.

Xác chết bị tráo đổi, tài liệu bị giả mạo

Vương Hoành Triển, người đàn ông được đề cập nói trên, sống ở thôn Lý Trang của thị trấn Ngỗ Lâu. Ngay bên ngoài khu vực quản lý của bí thư Vương Linh là nơi chôn cất Lý Trình Bân.

Lý Lượng, cháu gọi Lý Trình Bân bằng chú, lần đầu tiên biết vị trí ngôi mộ của chú mình khi anh ta tới đó cùng anh em nhà họ Lý hồi tháng 4/2019. Khi được liên lạc vào ngày 5/8/2020, Lượng nói Vương Linh đã phát hiện ra ngôi mộ mới vài tuần trước, thậm chí còn hỏi chính Lượng về nó.

“Tôi thực sự không biết ngôi mộ của ai. Nếu tôi nói với Vương Linh rằng đó là mộ chú tôi, thì mọi việc đã xong”, Lượng nói. "Và sau đó Vương Linh sẽ làm ngơ, coi như không biết”.

Nhưng Vương Linh đã không làm như thế.

Theo Lượng, thi thể của Lý Trình Bân đã được đào lên vài ngày trước khi anh đến thăm và ngay sau đó, Vương Linh đã có được giấy chứng nhận hỏa táng cho mẹ của Vương Hoành Triển.

Ngày 6/8/2020, khi được hỏi về vụ việc, Vương Linh không tiết lộ bất cứ điều gì. “Hãy nói chuyện với cấp trên của tôi”, Vương nói.

Trong khi đó, Vương Hoành Triển nói anh ta chỉ là một người con có trách nhiệm, nói rằng anh ta không biết gì về giấy chứng nhận hỏa táng của mẹ mình. Anh nói rằng bà mẹ đã chết vào năm 2017 và anh ấy đã đích thân tìm một nơi để bí mật chôn cất bà. “Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ giấy chứng nhận hỏa táng nào. Tôi không có tiền”, anh ta nói.

Lượng nói ông Lý Trình Bân đã được hỏa táng vào ngày 30/3/2019, thay cho mẹ của Vương Hoành Triển. Và Vương Linh đã lo được giấy chứng nhận hỏa táng cho mẹ Vương Hoành Triển với giá 12.000 nhân dân tệ.

Quang cảnh bên ngoài một nhà tang lễ ở huyện Tào, Sơn Đông

Là bí thư thôn, Vương Linh thuộc mọi ngõ ngách của khu vực này, bao gồm cả nơi chôn cất Lý Trình Bân và dễ dàng nhận thấy một ngôi mộ mới. Những nghi ngờ của Lượng về đồng nghiệp đã được xác nhận khi anh hỏi anh ta về giấy chứng nhận hỏa táng được cấp cho Vương Hoành Triển.

Vương Linh ban đầu phủ nhận mọi thứ. Sau đó Lượng hỏi liệu người khai quật thi thể trong khu vực có đeo găng tay hay không, Vương Linh nói có. Với điều này, Lượng kết luận rằng không phải phu mộ địa phương đào các thi thể trong khu vực, rằng "chỉ những người từ tỉnh Hà Nam mới đeo găng tay."

Sau đó Lượng phát hiện ra rằng người đã đào mộ chú mình đến từ Hà Nam. Chỉ có một người phù hợp: Lưu Kim Hoa. Cũng chính người đàn ông này đã giúp anh em nhà Lý bí mật chôn cất cha của họ ngay từ đầu. Ba anh em và Lượng quyết định “đến thăm” anh ta. (Còn nữa).

Tác giả: NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP