Vinalines luôn phải đi đều ‘hai chân’ là phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ. (Nguồn ảnh: Vinalines) |
Để đạt được mục tiêu trên, Vinalines sẽ tập trung mở rộng thị trường, quy mô; trong đó, tập trung phát triển dịch vụ chuỗi, làm việc với các hãng tàu lớn, các nhà xuất nhập khẩu để đưa tàu, hàng hóa về các doanh nghiệp của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, Vinalines cũng thực hiện dịch vụ chuỗi trên cơ sở phối kết hợp hoạt động các lĩnh vực cốt lõi gồm cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải, trong đó tập trung kết nối đến khu vực Cái Mép-Thị Vải.
Về công tác triển khai tái cơ cấu, phía Vinalines giảm vốn tại các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, sáp nhập, giải thể nhằm thu gọn đầu mối, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hoạt động dịch vụ hàng hải và giảm thua lỗ hoạt động vận tải biển.
“Vinalines tiếp tục tái cơ cấu tài chính, xử lý dứt điểm các khoản nợ, nâng cao hiệu quả công tác tài chính, tối ưu hóa hoạt động quản lý vốn; tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả, áp dụng mô hình tinh gọn tài sản trong đầu tư,” lãnh đạo Vinalines nhấn mạnh.
Về việc đầu tư, năm 2019, Tổng công ty thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Cảng biển trọng điểm gồm bến 3,4 Cảng Lạch Huyện, Cảng Vinalines Đình Vũ; phát triển cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với hệ thống cảng và tại các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn…
Ngoài ra, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xác định mục tiêu chính là trở thành đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam; có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường hàng hải quốc tế; tập trung kinh doanh vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải; đáp ứng đầy đủ, kịp thời và có chất lượng mọi nhu cầu về dịch vụ hàng hải của khách hàng; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hoàn thành các mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020./.
Tác giả: VIỆT HÙNG
Nguồn tin: vietnamplus.vn