Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện Việt Nam có tới 4.000 tên thuốc BVTV khác nhau, nhưng có đến 3.800 loại tập trung cho cây lúa và chỉ khoảng 200 loại cho những cây trồng khác. Trong đó, thuốc BVTV sinh học chỉ chiếm khoảng 19%, còn lại là thuốc hoá học.
“Trong thực tế, hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng nông sản. Vì thế, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương”, ông Hoàng Trung nhận định.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ trung bình 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật |
Theo Cục BVTV, mỗi năm Việt Nam sử dụng trung bình 100.000 tấn thuốc BVTV, tổng chi phí khoảng 700 triệu USD. Những năm qua, việc quản lý thuốc BVTV đã được siết chặt.
Theo đó, đã loại bỏ được 1.024 tên thương phẩm có độc tính cao, tồn dư trên nông sản khỏi danh mục thuốc BVTV. Dù vậy số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay được đánh giá là còn đang mất cân đối khi chủ yếu là các loại thuốc BTVT trên cây lúa.
Để chấn chỉnh lại tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, Bộ NN&PTNT sẽ phấn đấu giảm 30% tổng số tên thương phẩm trong những năm tới.
Ngoài ra, Bộ cũng chủ trương đầu tư xây dựng các phòng thử nghiệm kiểm chứng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để thực hiện vai trò trọng tài trong kiểm tra chất lượng phân bón và thuốc BVTV…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp đều tăng từ 3 - 5 tỷ USD/năm và nếu hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm nay thì Việt Nam sẽ là 1/18 quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới.
“Cơ quan chuyên môn của Bộ cũng như toàn ngành nông nghiệp phải chung tay hành động để siết chặt quản lý đồng loạt từ nguồn nhập khẩu, sang chiết đóng gói cho đến khâu phân phối thuốc BVTV trên thị trường”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu.
Tác giả: Tuyết Nhung
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô