Như vậy, sau thời gian dài chủ yếu xuất đi, hiện tại Việt Nam đã phải nhập khẩu các mặt hàng này về nước. Cụ thể, lượng dầu thô nhập khẩu 7 tháng qua về Việt Nam đạt 1,8 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ nhập hơn 280.000 tấn. Kim ngạch nhập dầu thô đạt 890 triệu USD (hơn 11,3 triệu đồng/tấn).
Sau thời gian chủ yếu xuất than và dầu thô, hiện Việt Nam ồ ạt nhập sản phẩm này với giá đắt hơn. |
Mặt hàng thứ 2 nhập nhiều là than đá, hết tháng 7/2018, cả nước nhập về hơn 11,9 triệu tấn với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, tăng 49% về lượng và 71,6% về kim ngạch. Indonesia là nước có lượng than xuất vào Việt Nam lớn nhất trong các thị trường khi chiếm trên 6,38 triệu tấn, với kim ngạch 450 triệu USD.
Mức giá bình quân của than nhập vào Việt Nam đạt 2,6 triệu đồng/tấn, trong đó than nhập từ Indonesia chỉ 1,6 triệu đồng/tấn, than nhập từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, với đơn giá 8,2 triệu đồng/tấn.
Ngoài việc tăng nhập các mặt hàng than và dầu thô, hiện Việt Nam cũng tăng nhập các loại quặng và khoáng sản về nước. Tính đến hết tháng 7, cả nước nhập hơn 7,9 triệu tấn quặng, tăng 90% so với cùng kỳ, kim ngạch hơn 662 triệu USD, giá quặng tăng 91% so với năm trước.
Trong quá trình nhập, Việt Nam cũng xuất các loại hàng tương tự. Quặng và khoáng sản chúng ta xuất được 2,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 109 triệu USD. Giá bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, thấp hơn 700.000 đồng/tấn so với giá nhập vào.
Than đá, 7 tháng qua Việt Nam xuất đi được 1,4 triệu tấn, kim ngạch 190 triệu USD, giá bình quân là 3,1 triệu đồng/tấn. Giá than xuất cao hơn 500.000 đồng/ tấn so với giá than nhập, song vẫn thấp hơn 50% so với giá than nhập về từ Trung Quốc.
Với dầu thô, 7 tháng qua, Việt Nam xuất đi 2,2 triệu tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD, giá xuất bình quân 12,4 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 1 triệu đồng/tấn so với giá dầu thô nhập về.
Hiện, Việt Nam cho phép một số doanh nghiệp được quyền nhập khẩu than riêng, trong đó có các nhà máy như luyện cán thép Formosa hay các chủ đầu tư nhiệt điện chạy than ở duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long (Tổng sơ đồ điện VII). Chính vì vậy, việc nhập khẩu than ồ ạt từ nước ngoài có thể là các loại than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện hoặc nhà máy phát điện riêng của doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đóng chân tại lãnh thổ Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí