Trong nước

Việt Nam đã có bước tiến dài trong lĩnh vực bình đẳng giới

Việt Nam sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện, với trọng tâm xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào nói chung, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phát triển toàn diện.

Công nhân dệt may. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Khóa họp 63 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc - diễn đàn lớn nhất của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và quyền phụ nữ, đang diễn ra tại thành phố New York của Mỹ từ ngày 11-22/3, với sự tham dự của hơn 100 vị là phó tổng thống, phó thủ tướng và các bộ trưởng trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung đã tham dự và phát biểu đóng góp ý kiến tại khóa họp.

Khóa họp 63 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc có chủ đề nâng cao chất lượng hoạt động an sinh xã hội, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng để ngày càng tiến tới mục tiêu bình đẳng giới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trên cơ sở Tuyên bố Bắc Kinh, khóa họp lần này sẽ xem xét thúc đẩy các Mục tiêu Thiên niên kỷ với ba vấn đề lớn là thúc đẩy an sinh đối với phụ nữ; hoàn thiện hệ thống hạ tầng để người phụ nữ được thụ hưởng những chính sách an sinh một cách trọn vẹn nhất; và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ thông qua các chính sách và giải pháp. Về cơ bản Việt Nam đã có nhiều mục tiêu đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trên cơ sở chung những đánh giá của khóa họp 63 này, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, đẩy nhanh cách giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ với chủ đề "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em," trong năm 2019, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp liên quan đến phụ nữ. Trong đó, đầu tiên sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện, với trọng tâm xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào nói chung, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phát triển toàn diện hơn.

Công tác phát triển hệ thống an sinh cũng sẽ được thúc đẩy với hai trụ cột là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm tự nguyện, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là trong lực lượng những người không có việc làm.

Sản xuất và lắp ráp điện tử. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Ngoài ra, các biện pháp thúc đẩy để đảm bảo cho mọi phụ nữ được hưởng quyền an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là các phụ nữ trong tình trạng yếu thế, cũng được lưu tâm; khuyến khích người phụ nữ chủ động vươn lên làm chủ bản thân, dám đấu tranh với các sai trái, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm, trong đó có vấn đề bạo hành, vấn đề buôn bán để sử dụng người phụ nữ một cách trái phép.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình tiến tới sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Quyền năng về mặt chính trị của phụ nữ Việt Nam đã được thúc đẩy rất cao, hiện rất nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành có phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chiếm tỷ lệ lớn.

Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ giới làm chủ doanh nghiệp và chiếm vị trí quản lý quan trọng trong các tập đoàn lớn đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Phillipines. Phụ nữ Việt Nam tham gia lĩnh vực khoa học, công nghệ ngày một nhiều hơn.

Nhân khóa họp 63 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc, đoàn đại biểu Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc song phương với Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNPFA), và một số quốc gia như Israel và Australia, cùng đánh giá kết quả phối hợp hành động trong thời gian qua trên các lĩnh vực như xây dựng luật pháp, tư vấn, hỗ trợ phát triển các mô hình các dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian qua, Việt Nam và các tổ chức và các quốc gia nói trên đã có sự phối hợp rất tốt. Các đối tác đều đánh giá Việt Nam đã có bước tiến rất dài trong lĩnh vực bình đẳng giới, đồng thời đi đến thống nhất những chương trình hành động, phối hợp cùng nhau thực hiện cam kết Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc./.

Tác giả: Hải Vân-Hữu Thanh

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP