Xã hội

Việt Nam: 'Cường quốc xe máy' hay 'cường quốc ô nhiễm vì xe máy' ?

Tuy hỗ trợ tốt cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, xe máy tại Việt Nam cũng đang là tác nhân hàng đầu gây nên ô nhiễm môi trường.

Bình quân mỗi năm thị trường Việt Nam "khai sinh” thêm hơn 3 triệu chiếc xe máy. Với đà tăng tiến như vậy, đến 2020, tổng số lượng xe máy lưu hành trên thị trường có khả năng đạt tới 60 triệu chiếc.

Ở Việt Nam, ô tô có thể vẫn là giấc mơ xa vời. Tuy nhiên, đối với xe máy, câu chuyện lại rất khác. Còn nhớ, đại diện hãng sản xuất mô tô lớn nhất thế giới là Honda từng nhận xét rằng Việt Nam thay vì cố gắng sở hữu một ngành công nghiệp ô tô của riêng mình thì hãy chọn trở thành một 'cường quốc xe máy'.

Lời khuyên này, tưởng như xa vời, nhưng thực ra chẳng cách thực tại của Việt Nam là mấy. Những số liệu thống kê chứng minh một cách rõ ràng rằng chúng ta đã và đang đứng top đầu thế giới với lượng sản xuất và tiêu thụ xe máy.

Tuy nhiên điều đáng buồn cũng đi cùng danh xưng này là những hệ lụy về môi trường đã xảy ra. Bên cạnh 'cường quốc xe máy' Việt Nam có lẽ cũng sẽ được gọi với cái tên 'cường quốc ô nhiễm vì xe máy'

Việt Nam - 'Cường quốc xe máy' xếp thứ 2 toàn thế giới

Việt Nam, chính xác là một 'cường quốc xe máy' khi sở hữu số lượng loại phương tiện này xếp thứ 2 toàn thế giới. Năm 2016, thống kê đã ghi nhận con số có hơn 45 triệu môtô, xe máy các loại đang chạy trên khắp các nẻo đường Việt Nam. Hiện, 85% dân số Việt Nam đang sử dụng xe máy như là phương tiện đi lại cũng như để mưu sinh mỗi ngày.

So sánh với dân số thì trung bình cứ 2 người dân Việt Nam sẽ có 1 chiếc xe máy. Trên thế giới, tỷ lệ này chỉ xếp sau Đài Loan (năm 2015, người dân ở đây sở hữu tới 15,09 triệu chiếc xe máy, tình bình quân cứ 10 người dân thì có 7 xe máy).

Ở Việt Nam, xe máy cũng chính là loại phương tiện giao thông phổ biến nhất. Theo điều tra xác định tỷ lệ các loại xe trong một dòng xe thì có tới 85,8% xe là xe máy, 12,3% là ô tô, 1,2% là xe tải và xe buýt chỉ chiếm 0,7%. Từ đó, người ta tính toán ví dụ như ở Hà Nội thì cứ 1km đường sẽ có tới 2.500 xe máy hoạt động.

Dù kinh tế phát triển nhiều người nuôi ước mơ ô tô nhưng với số đông người Việt vẫn sẽ ưa chuộng loại phương tiện này trong tương lai gần. Các ghi nhận cho thấy rằng dù sản lượng xe máy làm ra có xu hướng giảm qua các năm, tuy nhiên mỗi năm có tới hàng triệu chiếc được mua và đăng ký mới

Cụ thể, năm 2011 có 3,3 triệu xe máy được bán ra. Năm 2012, số lượng này giảm 200.000 chiếc, còn 3,1 triệu xe. Năm 2013, lượng xe bán được là 2,8 triệu chiếc, năm 2014 là 2,7 triệu. Đến năm 2015, lượng xe bán ra đã trở lại mốc 2,7 triệu.

Việc xe máy có được những con số ấn tượng như trên ở Việt Nam có thể giải thích bằng việc người Việt rất chuộng những đặc tính như nhỏ gọn, nhanh, tiện và hợp túi tiền mà phương tiện này mang lại.

Và cũng là 'cường quốc ô nhiễm vì xe máy'

Ở các thành phố lớn của Việt Nam, nồng độ bụi đang là một trong số những vấn đề đáng báo động. Theo bản báo cáo môi trường quốc gia 2015 thì nồng độ bụi tại các thành phố lớn đã và đang tăng cao vượt nhiều lần ngưỡng cho phép trong những năm gần đây.

Tuy hỗ trợ tốt cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, xe máy tại Việt Nam cũng đang là tác nhân hàng đầu gây nên ô nhiễm môi trường. Trong khi số phương tiện cơ giới lại đang tăng theo từng năm. Tại Hà Nội, số lượng xe máy tăng bình quân 11,02%/năm, trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức tăng là 9,79% đều đặn mỗi năm.

Tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy xe máy tuy chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% hydrocarbon (HC), 97% carbon monoxide (CO) và 57% các oxide của nitrogen (NOx) trong tổng số các loại chất ô nhiểm thải ra bởi tất cả các loại xe cơ giới.

Các loại xe máy thuộc dòng xe đạt tiêu chuẩn Euro 1 và Euro 2 đang sử dụng phác thải trung bình tới 0,08 gam bụi/hành khách/km và 0,13 gam oxide của nitrogen/hành khách/km- những mức được xem là không hề thấp đối với độ chống chịu của môi trường.

Đó còn là chưa kể đến các loại xe máy đã chạy trước thời hạn Euro 2 được áp dụng là từ năm 2007 vẫn đang hoạt động và có mức xả thải không kiểm soát. Các loại xe cũ gây nhiều ô nhiễm này vẫn đang được thấy hàng ngày trên khắp đường phố của các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, tuy mang danh là một 'cường quốc xe máy', Việt Nam cũng có thể được xem là một 'cường quốc ô nhiễm vì xe máy', với 45 triệu chiếc xe máy đang xả thải bụi bẩn ra môi trường mỗi ngày.

Cũng sở hữu nhiều xe máy nhưng câu chuyện của Đài Loan có thể là bài học cho Việt Nam. Từ lâu, Chính phủ nước này đã khuyến khích người dân sử dụng các loại xe máy chạy bằng điện chứ không phải nhờ các chất nhiên liệu đốt. Cùng với đó, người dân Đài Loan cũng ưa chuộng sử dụng các loại xe máy nhỏ dưới 50 phân khúc, ít gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Tác giả: Cafebiz

Nguồn tin: tapchigiaothong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP