Kinh tế

Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Việt Nam sẽ áp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu từ 1-1-2024

Sáng 29-11, với 93,52 % đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu-TTTC).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Thuế tối thiểu toàn cầu

Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1-1-2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỉ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này.

Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nghĩa là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết để chủ động hội nhập quốc tế, nội luật hóa các quy định của OECD để giữ được quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Giải trình về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng cần nghiên cứu đưa quy định nội dung này vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi sửa đổi. Theo đó, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (CTXDLPL) năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế TTTC.

Một số ý kiến đề nghị đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp nội dung thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với quyền lợi của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi thực hiện thuế TTTC; theo đó cần ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế và bù đắp cho các ưu đãi thuế sẽ không còn tác dụng khi thực hiện thuế TTTC để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Có ý kiến đề nghị chưa thông qua Nghị quyết này nếu chưa thông qua Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư.


Về các vấn đề này, UBTVQH cho rằng đúng như ý kiến của các vị ĐBQH, khi thực hiện thuế TTTC, cần thiết phải có các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp hơn để bổ sung/thay thế các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện hành nhằm duy trì môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất mới và phức tạp, các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải bảo đảm không vi phạm quy định của OECD, đồng thời phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tránh các hệ luỵ cho NSNN. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ để bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Vừa qua, Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến việc thực hiện thuế TTTC và đã được UBTVQH dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.


Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư đã được trình UBTVQH 2 lần (tại phiên họp tháng 9 và tháng 10) nhưng không đáp ứng đủ điều kiện để trình Quốc hội. Vì vậy, tại phiên họp trù bị ngày 23-10-2023, UBTVQH đã báo cáo Quốc hội đề nghị tạm thời chưa trình 2 dự thảo Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 6 để bảo đảm tính tổng thể.

Tuy nhiên, từ góc độ của các nhà đầu tư bị điều chỉnh bởi thuế TTTC, việc Việt Nam chưa nội luật hoá quy định về thuế TTTC trước thời điểm 1-1-2024 sẽ làm các nước xuất khẩu đầu tư không rõ về khả năng áp dụng thuế TTTC tại Việt Nam; điều này có thể làm cho các nhà đầu tư phải lập kế hoạch cho năm 2024 theo hướng chuyển số thuế TTTC bổ sung tại Việt Nam về kê khai và nộp tại nước mẹ.

Vì vậy, các nhà đầu tư thể hiện quan điểm mong muốn Việt Nam sớm thông qua Nghị quyết về thuế TNDN bổ sung để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024. Từ thực tế này, ngày 1-11-2023, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 39/2023/UBTVQH15 để bổ sung Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào CTXDLPL năm 2023 để trình Quốc hội tại kỳ họp này theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Ý kiến của các vị ĐBQH là rất xác đáng khi cho rằng đồng thời với việc thực hiện thuế TTTC, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả trên thực tế để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương.

Để có thể xử lý một cách phù hợp đối với vấn đề duy trì môi trường đầu tư khi thực hiện thuế TTTC, trong thời gian giữa 2 đợt họp vừa qua, UBTVQH đã khẩn trương phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan để tìm kiếm và xác định phương án xử lý phù hợp. Ngày 15-11-2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 45/BC-CP báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư.

Căn cứ ý kiến của các vị ĐBQH, sau khi trao đổi, thống nhất với Chính phủ và căn cứ Báo cáo số 45/BC-CP của Chính phủ, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không ban hành một Nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 nội dung: "Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới".

Cho phép kéo dài giải ngân vốn giảm nghèo bền vững sang năm 2024

Cũng trong sáng 29-11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới 2021-2025, giảm nghèo bền vững 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030.

Theo nghị quyết này, để tiếp tục thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.

Tác giả: B.H.Thanh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP