Kinh tế

Vì sao rau quả Trung Quốc vẫn “sống khỏe” tại Việt Nam?

Ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát – nơi mức sống của người dân còn thấp thì điều quan trọng hơn với họ là giá cả chứ không phải sản phẩm có… độc hại hay không? Đây là lý do chính khiến rau quả Trung Quốc vẫn “sống khỏe” tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Rau quả có nguồn gốc Trung Quốc được tiêu thụ rất nhiều tại các chợ truyền thống, chợ tự phát.


Thống kê 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 80,7 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả từ Trung Quốc về Việt Nam.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 351 triệu USD để nhập khẩu rau quả các loại (cùng kỳ năm 2015 là 519 triệu USD). Trong đó, thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc với giá trị nhập khẩu lên đến 80,7 triệu USD (tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2015).

Với mặt hàng rau củ, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các loại hành, tỏi, khoai tây, bắp cải… Còn với mặt hàng hoa quả, Việt Nam thường nhập theo mùa. Ở thời điểm hiện tại Việt Nam nhập chủ yếu các loại như: táo, lê, mận, đào, xoài, nho… với số lượng lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày.

Những ngày này, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội như Phạm Ngọc Thạch, Trần Thái Tông, Đỗ Đức Dụng…, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp nhiều người bán xe thồ với đủ các loại hoa quả như: đào, mận, thanh long, nho… với giá rẻ bất ngờ. Cụ thể, một kg đào ngon chỉ có giá từ 35 – 40.000 đồng, một kg mận xanh có giá từ 25- 30.000 đồng, một kg nho chỉ có giá 20.000 đồng/kg. Thực tế những loại quả này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, thế nhưng những người bán hàng lại quảng cáo đây là các loại quả có nguồn gốc tại Việt Nam như đào, mận Sa Pa, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận…

Với các loại rau quả có nguồn gốc Trung Quốc, những sản phẩm này được tiêu thụ nhiều nhất ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát. Nhiều loại rau quả Trung Quốc sau khi nhập về Việt Nam đã được gắn mác “nông sản Việt”, chính vì vậy, bên cạnh một lượng lớn người tiêu dùng có thu nhập thấp chấp nhận “dùng đại” hàng Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn, thì những người có mức thu nhập cao hơn cũng vẫn tìm mua những loại rau quả này bởi họ không thể phân biệt được đâu là hàng nội, đâu là hàng Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, việc rau quả Trung Quốc “đột nốt” nông sản Việt Nam đã cho thấy các chủ quầy hàng là vi phạm pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng. Mặc dù trước đó báo chí đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quản nên vỏ đẹp mà ruột hỏng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, giá hoa quả Trung Quốc lại rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân nên vẫn được nhiều tiêu dùng chọn mua.

Chia sẻ với VnMedia về lý do vì sao hàng Trung Quốc vẫn “sống khỏe” tại Việt Nam dù thời gian qua chúng ta đã tuyên truyền nhiều về sản phẩm kém chất lượng và độc hại của Trung Quốc, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, tâm lý sợ, tránh hàng Trung Quốc trong một bộ phận người dân hiện nay là có, thế nhưng, ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát – nơi mức sống của người dân còn thấp thì điều quan trọng hơn với họ là giá cả rẻ chứ họ chưa quan tâm nhiều tới chất lượng. Trong khi đó, rau quả Trung Quốc có giá khá rẻ, mẫu mã lại khá bắt mắt nên vẫn bán được cho nhiều người tiêu dùng.

Hơn nữa, nhiều vụ việc như rau quả, thực phẩm bẩn “đột lốt” rau quả, thực phẩm sạch được tiêu thụ và phát hiện trong nhiều siêu thị đã khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào sản phẩm “sạch” vì họ cho rằng, chắc gì rau quả Việt Nam đã an toàn hơn nên với nhiều người, mua cái rẻ sẽ có lợi.

Theo TS Ngãi, là một nước nông nghiệp, để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc chúng ta chỉ cần tăng sản lượng cung ứng cho thị trường. Cũng cần lưu ý là hàng hóa của chúng ta phải theo các tiêu chuẩn an toàn chất lượng để người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Còn kiểu sản xuất mù mờ như chúng ta hiện nay thì rất khó để đánh bại hàng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan và công bố thông tin rộng rãi để người tiêu dùng biết lựa chọn. Nếu chúng ta làm được như vậy thì hàng rau quả Trung Quốc sẽ mất dần đất sống.

Tác giả bài viết: Lam Chung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP