Tin địa phương

Vì sao nhiều người dân Cần Thơ tiêm không đủ liều vaccine COVID-19?

Tùy theo loại vaccine COVID-19, người dân cần tiêm từ 4-5 mũi mới đủ liệu trình phòng chống, song hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của thành phố Cần Thơ chỉ đạt 53,6%

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tính đến ngày 11/8, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của thành phố Cần Thơ chỉ đạt 53,6%, nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 44,7%, nằm trong danh sách thấp nhất cả nước.

Sở dĩ có tình trạng này là do chưa thống nhất cách thống kê số lượng mũi tiêm, gây hiểu nhầm khi người dân cho rằng mình đã tiêm đủ nên không tiếp tục tiêm nữa. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch thành phố Cần Thơ ngày 16/8.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, cho biết hiện thành phố đã và đang triển khai tiêm 5 loại vaccine phòng COVID-19 là AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Vero Cell, Abdala.

Trong đó, với 3 loại vaccine AstraZeneca, Moderna, Pfizer, người dân tiêm 2 mũi được tính là 1 liều cơ bản; 2 loại Vero Cell, Abdala cần tiêm 3 mũi mới đủ liều cơ bản. Hiệu lực vaccine chỉ trong 6 tháng.

Như vậy, để đủ liệu trình (cơ bản, bổ sung, nhắc lại) thì tùy theo loại vaccine người dân cần tiêm từ 4 đến 5 mũi.

Bên cạnh đó, với đối tượng trẻ từ 5 dưới 18 tuổi, thành phố ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh không đồng thuận cho con em mình được tiêm vaccine. Điều này đến từ tâm lý chủ quan cho rằng dịch bệnh đã không còn, cũng như nhận thấy khi trẻ mắc bệnh thì triệu chứng nhẹ hơn người lớn.

Ông Phạm Phú Trường Giang cho rằng điều này vô cùng nguy hiểm vì những ngày gần đây các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận và điều trị một số ca mắc COVID-19 biến chủng mới BA.4 và BA.5 triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Đây là các dấu chỉ cho thấy nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao.

“Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình thành phố triển khai tiêm hơn 3 triệu liều cho trẻ, chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc. Do đó, phụ huynh nên mạnh dạn đưa con em đi tiêm ngừa để đảm bảo quyền lợi của con mình, vì miễn dịch chủ động (tiêm vaccine) luôn tốt hơn miễn dịch bị động (cơ thể có miễn dịch sau khi mắc bệnh),” Phạm Phú Trường Giang nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch thành phố cho biết, hiện nay tâm lý người dân chủ quan, nếu mắc COVID-19 cũng tự điều trị ở nhà không theo phác đồ điều trị được khuyến cáo của ngành Y tế, chỉ khi trở nặng mới vào viện. Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch lây lan trong cộng đồng và kiềm chế tái bùng dịch.

Ông Trần Việt Trường yêu cầu các đơn vị chủ động mọi phương án để không lúng túng trong trường hợp tái bùng dịch COVID-19; tiếp tục duy trì quy tắc 5K và mô hình hỗ trợ điều trị đúng cách tại nhà.

Các bệnh viện chủ lực như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Lao và Phổi thành phố… luôn phải trong tâm thế tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể nặng (mức 3 trở lên)./.

Tác giả: Ánh Tuyết

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP