Kinh tế

Vì sao khó nhân rộng các mô hình trình diễn trong nông nghiệp?

Mỗi năm, ngân sách tỉnh bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng các đề tài, dự án, mô hình điểm trong nông nghiệp. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, khi nhân ra diện rộng, những mô hình ấy lại ít nhận được sự hưởng ứng của người dân, thậm chí nhiều đề tài, dự án chỉ dừng lại ở dạng mô hình.

Mô hình nuôi gà gia đình được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai tại một số địa phương cách đây 3 năm, với quy mô 300 con gà cho mỗi mô hình. Tuy nhiên, vì những yếu tố bất cập về môi trường, đầu ra nên dự án đã gặp không ít khó khăn khi nhân rộng.

Do khó có đầu ra nên nhiều nông dân xã Hưng Tân - huyện Hưng Nguyên đã quay lại chăn nuôi đàn gà quy mô nhỏ

Tại xã Hưng Tân - huyện Hưng Nguyên, 5 mô hình được triển khai giống mới, nhưng đến nay, không nhân rộng được mô hình nào. Người dân do khó khăn về đầu ra, chi phí đầu tư cao nên đành quay lại chăn nuôi gà quy mô nhỏ.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên

Tại Hưng Nguyên, mỗi năm có đến hàng chục mô hình trình diễn của Trung tâm khuyến nông tỉnh, huyện. Các mô hình khi đánh giá tổng kết đều đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên để nhân rộng chỉ đạt dưới 40%. Nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề: đầu ra khó khăn, hạ tầng mô hình không được đầu tư, cán bộ kỹ thuật chưa có tính chuyên sâu - Ông Trần Văn Sâm - Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Hưng Nguyên nói.

Lạc đen - mô hình khó nhân rộng tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc


Mới đây nhất, tại xã Nghi Hoa - huyện Nghi Lộc, Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai mô hình lạc đen với quy mô 0,5ha, kết quả năng suất, chất lượng đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vụ Đông năm nay hay những vụ tiếp theo khó có thể nhân rộng, người dân không mặn mà vì khó lo liệu đầu ra.

Nông dân xã Nghi Hoa - Nghi Lộc thu hoạch dưa hấu


Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có đến trên 4000 mô hình điểm trong lĩnh vực NN được triển khai. Nhưng việc nhân rộng chỉ đạt 35% Các mô hình ban đầu đều được hỗ trợ từ 60% đến 100% giá giống, từ 20% đến 40% giá vật tư phân bón các loại. Nhưng khi triển khai nhân rộng thì người dân chỉ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi không bằng khi làm điểm, do đó người dân không còn mặn mà. Thêm vào đó, các mô hình xây dựng còn dàn trải, chưa nghiên cứu kỹ về điều kiện canh tác, đặc điểm kinh tế vùng và thị trường đầu ra.

Để đưa một giống cây con vào sản xuất đại trà cần thử nghiệm làm điểm. Tuy nhiên không nên dàn trải. Các mô hình trình diễn phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, cây con chủ lực địa phương. Từ đó sản phẩm mới có tính cạnh tranh và đảm bảo đầu ra bền vững hơn.

Tác giả bài viết: Thu Vinh - Quốc Toàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP