Xã hội

Vi phạm của Mường Thanh: Pháp luật cho phép đập bỏ!

Các cấp của chính quyền Đà Nẵng đều cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm trong khi Mường Thanh đã xây xong đến 104 căn hộ trái phép.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chủ đầu tư công trình tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh - Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (xin gọi là Mường Thanh) đã tự ý chuyển đổi công năng, xây dựng trái phép 104 căn hộ.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, từ giữa năm 2016 quận Ngũ Hành Sơn đã phát hiện ra sai phạm này ở giai đoạn đầu và có báo cáo sự vụ này lên Sở Xây dựng TP Đà Nẵng. Sau đó, tháng 9-2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công phần sai phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ chấp hành phần nộp phạt nhưng vẫn tiếp tục thi công.

Phải đến gần bảy tháng sau, tức ngày 11-4-2017, Sở Xây dựng mới đề nghị UBND phường Mỹ An lập biên bản ngừng thi công. Và gần một tháng sau đó (ngày 5-5), UBND TP Đà Nẵng mới có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công ngừng thi công phần công trình vi phạm.

Như vậy từ khi phát hiện, ra văn bản xử phạt vi phạm hành chính đầu tiên cho đến văn bản gần đây nhất, Đà Nẵng đã mất tám tháng. Đến lúc này chủ đầu tư đã hoàn thiện phần xây dựng trái phép của mình. Tại sao chính quyền các cấp ở Đà Nẵng lại để xảy ra sai phạm với mức độ rất lớn như vậy thì mới quyết liệt yêu cầu dừng thi công?

Inforgraphic: Thùy Trang

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn:

Quận đã làm hết trách nhiệm

Nếu nói chính quyền bao che cho việc xây dựng trái phép của Mường Thanh là không đúng. Chính quận Ngũ Hành Sơn đã phát hiện ra vụ việc và có báo cáo đầy đủ gửi Sở Xây dựng TP, từ đó Thanh tra Sở Xây dựng đưa ra các quyết định xử phạt đối với công trình trên. Mới đây nhất, ngày 7-5, quận tiếp tục cho lực lượng - đội quy tắc đô thị xuống kiểm tra lại. Khi phát hiện họ không nghiêm chỉnh chấp hành tạm đình chỉ, chúng tôi đã báo ngay cho Sở Xây dựng, quận cũng đã có văn bản báo cáo UBND TP. Quận đã làm rất có trách nhiệm trong vụ việc liên quan đến Mường Thanh. Các công trình khác trên địa bàn khi bị xử lý thì họ không giống như Mường Thanh, họ có sai một chút là điều chỉnh ngay chứ không phải xây lén lút như thế kia.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng:

Không ai dám bao che đâu

Sau khi phát hiện sai phạm thì Thanh tra Sở đã liên tục lập biên bản, ban hành các quyết định xử phạt và yêu cầu tạm ngừng thi công. Việc phát hiện xây dựng trái phép 104 căn hộ của Mường Thanh là lúc các căn hộ này đã làm gần xong hết rồi. Sở đã nhiều lần xử lý, địa phương cũng tổ chức giám sát và họ cam kết dừng rồi. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng cho đến khi dừng hẳn vào ngày 9-5.

Không ai dám bao che chuyện tày trời. Tại sao phải mất đến bảy tháng kể từ khi Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt đầu tiên thì Sở Xây dựng mới yêu cầu phường Mỹ An lập biên bản ngừng thi công ư? Sau khi ra quyết định xử phạt thì Sở giao cho địa phương quản lý, theo dõi, giám sát công trình. Tuy nhiên, các công trình kiểu này thường làm lưới bảo vệ, hàng rào bao quanh công trình nên rất khó để phát hiện việc xây dựng của chủ đầu tư (?). Địa phương cũng rất khó tiếp cận công trình chứ chưa nói kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng:

Do luật còn hở (?)

Hiện TP Đà Nẵng đang chỉ đạo quyết liệt xử lý vụ việc xây dựng trái phép của Mường Thanh. Tuy nhiên, các quy định xử lý các sai phạm như công trình của Mường Thanh nói trên hiện có nhiều bất cập. Đơn cử theo quy định trước đây (Luật Xây dựng 2003 - PV), để đình chỉ công trình xây dựng không phép thì phường được quyền cắt điện, cắt nước. Khi đó chủ đầu tư không thể nào làm tiếp được. Thế nhưng bây giờ luật (Luật Xây dựng 2014) không cho phép cắt điện, cắt nước nữa.

Để xảy ra các sự việc xây dựng trái phép như Mường Thanh một phần do chế tài xử lý chưa thật mạnh nên không đủ sức răn đe, chủ đầu tư sau khi xây dựng trái phép thì chây ỳ.

Về hướng xử lý, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Mường Thanh thực hiện các biện pháp tiếp theo để hoàn chỉnh thủ tục (cho phép Mường Thanh xây dựng các công trình thay thế tầng hai đến tầng năm tại lô đất 4.500 m2 cạnh dự án này làm khu sinh hoạt cộng đồng thay thế diện tích đã bị chuyển công năng sang xây dựng 104 căn hộ trái phép nếu trúng đấu giá lô đất trên - PV), còn nếu không đủ thủ tục thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư Hà Nội:

Quy định: Được tước giấy phép, phá dỡ

Nghị định 121/2013 của Chính phủ đã nêu rất cụ thể: “Sau khi đã bị xử phạt hành chính mà tái phạm thì có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng” (khoản 8 Điều 13).

Ngoài việc phạt tiền, hình phạt bổ sung đối với các trường hợp này là đình chỉ hoạt động, buộc phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm, buộc khôi phục tình trạng ban đầu (khoản 3 Điều 7).

Vi phạm của Mường Thanh là khá rõ ràng, nên nếu các cơ quan chức năng lại cho hợp thức hóa bằng nhiều cách khác nhau là thiếu động thái dứt khoát với hành vi vi phạm pháp luật.

Tác giả: Lê Phi - Chân Luận

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP