Thế giới

Vì đâu Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng mức kỷ lục ?

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa đề nghị mức ngân sách quốc phòng kỷ lục cho năm 2017 do "môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang căng thẳng".

Theo Reuters, vào ngày 19/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị mức ngân sách quốc phòng 5,16 nghìn tỷ yen (51 tỷ USD) - mức cao kỷ lục cho năm tài khóa 2017 trong bối cảnh căng thẳng trên biển Hoa Đông tăng cao và mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên ngày càng lớn.

Dự toán ngân sách quốc phòng của Nhật năm 2017 tăng 2,3% so với năm 2016. Đây là mức tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong 5 năm gần đây của đất nước này, theo quan chức Nhật.

Nhật Bản sẽ chính thức công bố mức chi ngân sách cho quốc phòng cũng như các Bộ khác vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, theo nguồn tin, ngân sách quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ phải chi khoảng 1 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3. Việc nâng cấp sẽ cho phép phạm vi hoạt động của hệ thống mở rộng hơn 30 km.


Bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản (Áo đen).

Ngân sách Quốc phòng này cũng được dùng để chi cho việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Standard Missile-3 Block IIA hợp tác với Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ phân bổ nguồn vốn ngân sách để có được phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu tàng hình F-35, do công ty Mỹ Lockheed Martin Corp sản xuất, nguồn tin cho biết.

Nhật Bản cũng sẽ dành một khoản cho việc tăng cường năng lực của lực lượng phòng vệ bờ biển nước này tại khu vực phía Nam quần đảo Miyakojima và Amami Oshima để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, ông Takashi Kawakami, chuyên gia về an ninh tại Đại học Takushoku ở Tokyo cho rằng, mức tăng như vậy vẫn còn chưa đủ vì "môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang bị căng thẳng do hai nước láng giềng Triều Tiên và Trung Quốc".

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc lại nóng lên những ngày qua sau khi một lượng lớn tàu hải cảnh và các loại tàu khác của Trung Quốc tiếp cận vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Trong bối cảnh đó, ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang lên kế hoạch để gặp nhau vào cuối tuần này.

Trước đó, ngày 3/8, bà Tomomi Inada chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Việc bổ nhiệm này được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định cải tổ bộ máy nội các. Bà Inada sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông Gen Nakatani.

Việc bà Inada lên làm Bộ trưởng đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Theo Reuters, việc ông Abe bổ nhiệm bà Inada làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản có thể sẽ khiến Trung Quốc và Hàn Quốc không vừa lòng.

Còn Kyodo News thì đưa tin, truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết việc bổ nhiệm bà Inada cho thấy, "chính sách an ninh của Nhật Bản đang thiên lệch về phe cánh hữu”, đồng thời kêu gọi cảnh giác cao độ trước xu thế này. Truyền thông Trung Quốc cũng nhắc lại những lần bà Inada kêu gọi sửa đổi hiến pháp của Nhật và tăng cường sức mạnh quân sự của đất nước mặt trời mọc.

“Bà Inada là một chính trị gia bảo thủ và việc bà nhậm chức được cho là một sự chuẩn bị nhằm đạt được những cải cách trong hiến pháp và áp dụng một lập trường cứng rắn”, ông Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh thuộc Đại học Takushoku, cho biết.

Tác giả bài viết: Thanh Hằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP