HLV Phan Thanh Hùng sau thất bại với ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012, tháng 12 năm đó vẫn còn nhận được sự khẳng định từ Tổng thư ký kiêm Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng, rằng VFF vẫn giữ ghế cho ông. Nhưng đúng 1 tháng sau, ông Hùng lặng lẽ nộp đơn từ nhiệm, một mình chịu trận để “thượng tầng” không rúng động.
Bởi vậy, khi Hữu Thắng không hoàn thành chỉ tiêu vào chung kết AFF Cup 2016, nhiều người lo nhà cầm quân xứ Nghệ cũng rơi vào cảnh “đứt gánh giữa đường”. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra, đơn giản là vì thời điểm này, VFF cũng chẳng thể tìm được HLV tốt hơn để thay ông Thắng.
Giữa VFF và Hữu Thắng có hai đứa con chung, với rất nhiều mục tiêu cần phấn đấu. Đó là đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 Việt Nam.
Thua ở bán kết AFF Cup 2016, Hữu Thắng đã đánh mất cơ hội số 1 trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng ông còn cơ hội số 2: đưa U23 đi SEA Games 2017 để lấy HCV.
Nếu xét về ý nghĩa biểu tượng, tấm HCV SEA Games lúc này mới là thứ mà bóng đá Việt Nam khát khao nhất. Có những người bị “mê hoặc” bởi tài năng của lứa trẻ HAGL, đã quyết làm mọi giá để đổi màu huy chương khi những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh còn đủ tuổi…
HLV Miura không thể trụ lại Việt Nam lâu hơn, có một nguyên nhân rất lớn là chưa trọng dụng đúng mức đám “tiểu tướng” nhà bầu Đức ở SEA Games 2015. Tại đó, gần như chỉ có Công Phượng được ra sân và để lại dấu ấn.
HLV Hữu Thắng còn nhiều hạn chế, nhưng thay ông lúc này là không thể đối với VFF. Ảnh: Quốc Bảo.
Hữu Thắng thì khác. Ông thấm nhuần tư tưởng dùng chất kỹ thuật, nơi mà “quân HAGL” có vị trí chủ lực hơn. Dù càng về cuối kỳ AFF Cup càng thiên lệch, sa đà vào chất thép SLNA, Hữu Thắng vẫn ghi được những điểm số nhất định bởi đặt niềm tin vào Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh…
SEA Games 2017 sẽ là sân chơi của những cái tên vừa nêu, và Tuấn Anh, Công Phượng cũng có thêm nhiều đất diễn. HLV Hữu Thắng hướng đến mục tiêu này bằng sự kết hợp giữa cái bay bổng, sáng tạo của “lò” đào tạo HAGL với đội hình U19 đầy căn cơ, chặt chẽ của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Phương án đó chính là một trong những điểm cộng, giúp Hữu Thắng tiếp tục nhận được sự tin cậy từ lãnh đạo VFF. Ngoài ra, ngọn lửa tinh thần mà ông thầy xứ Nghệ thắp lên trong thời gian qua cũng có thể khiến “thượng cấp” miễn cưỡng xiêu lòng.
Gọi là miễn cưỡng, bởi chẳng ai ngây thơ đến mức chọn một HLV chỉ vì ông ta có tài… thổi lửa. Hữu Thắng còn không ít hạn chế về mặt chuyên môn, từ lựa chọn nhân sự đến đọc trận đấu, xoay chuyển thế cờ… nhưng VFF lúc này tìm đâu ra một ông thầy có khả năng thu phục lòng quân hơn thế nữa?
Vả lại, tổ chức này cũng chẳng muốn nối dài cái tiếng bất nhẫn, đặc biệt với các HLV nội (như từng xảy ra với Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc). VFF hẳn còn nhớ trong lúc họ đôn đáo tìm người thay thế Miura, Hữu Thắng đã từ chối hợp đồng bạc tỷ với Thanh Hoá để về “chữa cháy”.
Vì cả lý, cả tình lẫn… hoàn cảnh xô đẩy, VFF và Hữu Thắng tiếp tục nắm tay nhau là giải pháp tiết kiệm nhất và an toàn nhất.
HLV Hữu Thắng rơm rớm nước mắt trong phòng họp báo: Sau khi để tuột tấm vé chung kết vào tay Indonesia, HLV Hữu Thắng đã xin lỗi và nhận hết trách nhiệm về mình. Ông cũng mong người hâm mộ thông cảm và không chỉ trích cầu thủ.
Nguyễn Hữu Thắng trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam ngày 3/3/2016. Nhiệm vụ của ông là đưa tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Cup 2016 và đưa U23 Việt Nam vô địch SEA Games 2017. Sau khi tuyển Việt Nam dừng bước ở bán kết AFF Cup 2016, Hữu Thắng đã bóng gió nói đến chuyện từ chức, nhưng VFF quyết định vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng với ông. |
Tác giả bài viết: Quốc Bảo
Nguồn tin: