Trong nước

Về nơi Bác Hồ hôn lên đất Mẹ

Men theo dòng suối Lê Nin, chúng tôi ngược núi lên cột mốc 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về quê hương sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài. Người dân nơi đây vẫn còn ghi nhớ những câu chuyện về thời khắc lịch sử đó. Đến nay, tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng, con theo cha, cháu nối nghiệp ông vẫn hằng ngày, hằng giờ bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

Bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ trên đường lên cột mốc 108. Ảnh: Trường Phong.

Vững vàng cột mốc

Từ thành phố Cao Bằng, mất khoảng hơn một tiếng đi xe buýt để đến xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), nơi có hang Cốc Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác, địa điểm Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng sau khi từ Trung Quốc về nước qua cột mốc 108 (28/1/1941). Được sự hướng dẫn của cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hoàng Thị Khìn, một cán bộ lão thành cách mạng. Cụ Khìn năm nay đã ngoài 90, từng làm liên lạc, nấu cơm cho Bác Hồ. Cụ Khìn sống cách khu di tích lịch sử Pắc Bó chỉ vài trăm mét trong nhà sàn được dựng kiên cố từ tài trợ của một ngân hàng cách đây hơn chục năm. Trong nhà, những bức ảnh cụ Khìn chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang… và nhiều bằng khen có công với cách mạng treo kín tường. Tuổi đã cao, nhưng cụ Khìn vẫn nhớ những sự kiện gắn với ngày Bác Hồ về nước.

Cụ kể, 12 tuổi đã hoạt động cách mạng, lúc Bác Hồ về nước, Bác hỏi, bé bằng này thì có dám đánh Nhật, đánh Tây được không? Cụ khẳng khái bảo đánh được, rồi làm liên lạc, cùng bảo vệ Bác Hồ. “Tôi làm canh gác cho Bác Hồ, bảo vệ cơ quan hành chính. Có địch đến thì bảo là “con lợn vào vườn, con lợn ăn rau”, cụ Khìn kể lại. Cụ bảo, mốc 108 ngày xưa Bác Hồ về nước luôn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ từ đời này qua đời khác, không bao giờ lơi lỏng.

Cụ Hoàng Thị Khìn, người năm xưa nấu cơm cho Bác Hồ ở Pắc Bó.


Cách nhà cụ Khìn không xa là nhà ông Quán Chí Khiàng. Ông Khiàng đã ngoài 70 tuổi. Năm Bác Hồ về nước, ông Khiàng chưa sinh, nhưng sau này được ông bà, bố mẹ kể lại nơi đây là căn cứ đầu tiên Bác làm việc sau khi về nước. Ông bảo, khi lớn lên, trải qua quân ngũ trở về, được sự tín nhiệm của nhân dân, cử làm tiểu đội trưởng dân quân, thường xuyên phối hợp với công an vũ trang tuần tra đường biên mốc giới, phát hiện xâm canh, xâm cư để báo chính quyền. “Cột mốc 108 luôn luôn được giữ vững, không để xảy ra xê dịch, di chuyển”, ông Khiàng nói. Với ánh mắt cương quyết, ông bảo, người dân Pắc Bó rất trân trọng cột mốc, cố gắng để cột mốc biên cương đứng vững, không có gì lay chuyển được. Đến bây giờ, cháu của ông Khiàng cũng tham gia đội dân quân đi tuần cột mốc biên giới.

Nếu cụ Khìn chứng kiến ngày Bác Hồ về nước, ông Khiàng bảo vệ cột mốc chủ quyền cả trong giai đoạn căng thẳng biên giới thì ông Lê Văn Triển, Bí thư Đảng ủy xã Trường Hà lại là người chứng kiến, góp sức trong việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là cột mốc lịch sử 108. Ông Triển nói, khi phân giới cắm mốc, cột 108 vẫn ở vị trí cũ, nhưng hơi nghiêng. “Lúc đó tôi bày tỏ ý kiến rằng cột mốc này là nơi Bác Hồ đặt chân về nước. Nếu dựng mốc mới mà phá mốc cũ đi thì còn đâu chứng tích lịch sử sau này để con cháu biết. Tôi đề nghị với Trưởng nhóm bên Trung quốc rằng đây là một trong những điểm lịch sử không những có giá trị với Việt Nam mà với cả Trung quốc. Họ nhất trí nên giữ lại. Bây giờ chúng tôi tôn tạo khu vực đó để các đoàn lên tham quan”, ông Triển chia sẻ.

Nghĩa tình biên cương

Suối Lê Nin quanh năm trong mát, bắt nguồn từ gần hang Bác ở, chảy quanh khu vực đền thờ nằm trên ngọn núi Pò Tánh Chấy rồi uốn lượn xuống khu vực hạ lưu cạnh Trạm kiểm soát biên giới. Cũng có người gọi là suối cá thần, bởi đàn cá hàng nghìn con quanh năm sống ở suối, không dịch chuyển bao giờ. Người dân địa phương bảo, cá này rất thiêng, quăng chài, thả lưới đều không bắt được. Có người phương xa đến thả hàng trăm con cá vàng, nhưng sau đó không thấy còn con nào. Loài cá dưới suối cũng lạ, du khách đến thăm, chỉ cần mua gói mì tôm, bóp vụn rồi ném xuống nước là hàng nghìn con ngoi lên.

Lúc chúng tôi đến cũng trùng dịp cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra cột mốc như thường lệ. Đoàn gồm chục người, có cán bộ biên phòng, công an xã, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên. Trung úy Trần Văn Trung bảo, xã Trường Hà có biên giới khoảng hơn 10km, 19 cột mốc biên giới, trong đó cột mốc 108 thuộc dạng dễ đi nhất vì có đường tiện cho khách du lịch lên thăm. Đi cùng đoàn, ông Lý Văn Tốt, đã tham gia phối hợp tuần tra gần 20 năm chia sẻ, mỗi lần đi tuần là phải nắm cơm, mang nước đi. “Mình phải bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam. Bà con xã Trường Hà luôn ý thức là phải giữ đường biên, không cho xê dịch một tấc”, ông Tốt nói. Lục Văn Sơn, chưa đến 20 tuổi cũng tham gia vào đoàn tuần tra. Sơn bảo, đi tuần tra giúp hiểu thêm về đường biên mốc giới, lãnh thổ Tổ quốc. “Tôi tham gia tuần tra từ năm 2011. Ông tôi ngày xưa hoạt động cách mạng, bố cũng tham gia nghĩa vụ, dân quân tự vệ. Tôi cũng phải góp sức bảo vệ biên cương”, Sơn chia sẻ.

Cột mốc 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về nước sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài.

Mất hơn một tiếng, chúng tôi mới lên đến cột mốc 108. Cột mốc làm bằng đá, gắn vào mỏm núi đã nghiêng sang một bên. Cách vài mét là cột mốc mới số 675. Dọc theo đường bê tông rộng chừng một mét dẫn sang Trung Quốc, một cổng chào khá to được dựng lên. Bên kia cổng, ba dãy nhà đang hoàn thiện. Khá ngạc nhiên, ngay bên phải cổng vào là một ngôi đình khá to mang tên “Đình Hồ Chí Minh”. Trên tấm bia kỷ niệm viết bằng tiếng Việt “Việt Nam - Trung hoa láng giềng thân thiện; Trung Việt hữu nghị, cội nguồn sâu xa”. Bia tưởng niệm ghi thời gian hoàn thành vào tháng 5/2015, nhắc lại quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tường cạnh đó tạc phù điêu lấy nguồn hình ảnh từ Việt Nam mô tả ngày Bác Hồ cùng các đồng chí về nước. Bên cạnh là dòng chữ bằng tiếng Việt: “Năm 1911, Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Hồ Chí Minh và những chiến hữu của Người từ cột mốc biên giới số 108 về nước”.

Ngồi trong đình, chợt nhớ đến chuyện anh Lý Văn Hùng, cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang kể, cùng với hàng nghìn người Việt, cứ mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, hàng nghìn người Trung Quốc lại sang đây. Cán bộ đồn biên phòng được quán triệt, ngoài nhiệm vụ số một là đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới thì cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân bên kia biên giới có nguyện vọng sang thăm viếng, dâng hương Bác Hồ. Anh Thế, cán bộ đồn biên phòng còn bảo, có người sang xin ngủ trong hang Cốc Bó một đêm, để hiểu cảm xúc tại sao trong một nơi như thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nghĩ ra đường hướng cho cách mạng Việt Nam.

“Tôi tham gia tuần tra từ năm 2011. Ông tôi ngày xưa hoạt động cách mạng, bố cũng tham gia nghĩa vụ, dân quân tự vệ. Tôi cũng góp sức bảo vệ biên cương”.

Lục Văn Sơn

Tác giả: Trường Phong

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP