Kinh tế

Vàng nổi sóng đến đâu cũng khó vượt 40 triệu đồng một lượng

Giá vàng thế giới năm 2016 sẽ khó vượt qua mốc 1.500 USD/Ounce và nhiều khả năng giảm xuống dưới 1.300 USDOunce vào cuối năm.


Với Ngân hàng trung ương, các quốc gia và phần lớn người dân, thì vàng là công cụ bảo toàn tài sản, tránh rủi ro khi lạm phát cao, đồng tiền mất giá. Tuy nhiên, có những giai đoạn giá vàng tăng đột ngột, lôi cuốn nhiều người tham gia đầu tư và đầu cơ vàng. Khi đó, mức độ sinh lời và rủi ro cao rất nhiều so với các kênh đầu tư, như chứng khoán và bất động sản (BĐS).

Tài sản phòng hộ trở thành cơn sốt đầu tư kiếm lời cao

Nếu chỉ nhìn vào mức độ tăng giá vàng trong những giai đoạn tăng mạnh nhất, thì thực tế mức tăng không cao so với những kỳ tăng nóng của BĐS và chứng khoán.

Ví dụ, giá vàng năm 2016 được xem là tăng mạnh, nhưng tính đến đầu tháng 7, mức tăng chỉ khoảng 28% so với đầu năm. Còn nếu so sánh giá vàng đầu tháng 6, trước thời điểm Brexit, thì sau 1 tháng giá kim loại này chỉ tăng 12,5%. Trong khi đó, BĐS và chứng khoán có nhiều giai đoạn tăng 30 – 59% chỉ sau vài tuần.

Tuy nhiên, với đặc tính thanh khoản rất cao, và nhất là việc tham gia “đánh vàng tài khoản”, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 1,5% - 5% đã cho phép nhà đầu tư có thể lời 200% - 1.000% trong tháng 6, khi lướt sóng vàng. Còn nếu xét theo ngày, có những thời điểm giá vàng dao dộng tăng 1 – 3%/ngày, cho phép nhà đầu cơ lướt sóng thu lời từ 30 – 100%/ngày, một mức sinh lời quá hấp dẫn.

Ở trong nước, mặc dù không có kênh lướt sóng như nước ngoài, tuy nhiên nhà đầu cơ vẫn có thể tham gia mua – bán vàng theo dạng ký gửi với mức “đặt cọc” khoản 10%. Điều này cũng đủ khiến họ kiếm lời 100% trong vài tuần, khi giá vàng tăng 12% như hồi tháng 6, hoặc tăng gần 4% trong 10 ngày tháng 7/2016.

Điều đó cho thấy vàng có thể tạo ra hiện tượng sốt đầu cơ rất mạnh, lôi kéo rất nhiều nhóm tổ chức và người dân tham gia, một khi mọi người cho rằng vàng sẽ tăng giá.

Những bất ổn về kinh tế đầy vàng từ tài sản tích trữ trở thành cơn sốt đầu cơ kiếm lời. Ảnh: Hoàng Hà



Những đợt vàng tăng mạnh đều gắn với lo sợ bất ổn

Lịch sử giá vàng trong giai đoạn gần đây còn có những đợt biến động mạnh hơn nhiều so với đợt tăng theo sự kiện Brexit tháng 6/2016.

Trong các năm 2007, 2008, giá văng tăng trên 30% mỗi năm, còn trong tháng 9/2011, giá lập đỉnh 1.921USD/Ounce, tăng hơn 36% trong vòng 9 tháng.

Quan sát những đợt giá vàng tăng mạnh trong các thập kỷ qua đều có chung đặc điểm là gắn với một bất ổn kinh tế - tiền tệ thế giới. Bất ổn khiến các tổ chức tài chính và người dân tìm đến vàng để giữ an toàn tài sản, cũng là dịp để các tổ chức kinh doanh vàng và nhà đầu cơ tài chính tìm kiếm lợi nhuận cao qua việc lướt sóng.

Ví dụ trong giai đoạn khủng hoảng tái chính 2008, chỉ trong ngày 18//9/2008, giá vàng tăng trên 10%, từ 780 USD/Ounce lên 885 USD/Ounce, khi nghe tin Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản. Hoặc giá vàng liên tục tăng và lập đỉnh vào tháng 9/2011, do Standard & Poor’s đánh giá rủi ro trả nợ của Mỹ đang tăng, và đã hạ thấp xếp hạng trái phiếu Chính phủ Mỹ, làm giá trái phiếu Mỹ và đồng USD rớt mạnh, tạo làn sóng nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chuyển qua dự trữ vàng.

Đợt giá vàng tăng mới nhất là tháng 6 vừa qua bắt đầu từ Brexit, với nỗi lo kinh tế Anh sẽ suy giảm sau khi rời EU. Cho rằng Anh không còn hưởng những đặc quyền của thị trường chung châu Âu, cả 3 tổ chức Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings đều hạ thấp xếp hạng trái phiếu Anh, từ mức rất an toàn (AAA) xuống còn tương đối an toàn (AA), đồng thời dự kiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), và Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) hạ lãi suất để kích thích kinh tế, làm giảm giá trị đồng bảng Anh.

Cơn sốt tăng giá đầu tháng 7 khiến nhiều người giữ vàng bất an, chen nhau mang tài sản đi bán. Ảnh: Lê Hiếu


Các hiệu ứng này, cũng với mối lo xa suy giảm dây chuyền kinh tế EU – thế giới đã đủ tạo một cơn sốt vàng đánh lên rất mạnh. Trong các nguyên nhân chủ yếu để tăng giá vàng lại đều dẫn đến dự đoán đồng USD sẽ giảm giá. Từ đó, nhiều nhà đầu cơ đi trước một bước đã đẩy mạnh mua vàng.

Tuy nhiên, các động cơ đẩy giá vàng tăng cũng cho thấy, giá kim loại quý này sẽ không thể tăng mãi, một khi đồng USD mạnh trở lại. Khi đó, vàng sẽ có những đợt lao dốc mạnh không kém lúc tăng, làm nhà đầu cơ thiệt hại nặng.
Vàng thế giới sẽ xuống dưới 1.300 USD/Ounce

Hiện tượng Brexit vẫn được nhận định sẽ làm kinh tế thế giới suy giảm trong thời gian tới, tạo lực đẩy cho vàng tiếp tục đi lên. Thậm chí, chuyên gia Christopher Wood của CLSA còn dự báo, giá vàng có thể đạt mức trên 4.000 USD/Ounce, tăng gấp 3 lần hiện nay. Tuy nhiên, các nhận định giá vàng tiếp tục tăng mạnh đều thiếu cơ sở về quan sát kinh tế vĩ mô, cũng như đối chiếu với lịch sử các đợt tăng giá vàng gần đây.

Trước hết, như đã phân tích và quan sát, tác nhân chính làm giá vàng tăng mạnh là kinh tế Mỹ và đồng USD suy yếu.

Nhưng với diễn tiến kinh tế Mỹ hiện nay, khi các số liệu thống kê kinh tế Mỹ cũng như chỉ số USD đều cho thấy, kinh tế đang ổn định và tăng trưởng. Cụ thể, tỷ lệ người có việc làm của Mỹ đã tăng liên tục trong các năm gần đây, cũng như mức độ tăng diện tích nhà ở.

Chỉ số USD (DXY) sau một thời gian giảm trong tháng 4 và 5 đã phục hồi khá mạnh trong tháng 7/2016, ở 96,20 điểm, nhiều khả năng tăng lại mức 100,51 như tháng 12/2015, đã đẩy giá vàng rơi xuống 1.050 USD/Ounce.

Với xu thế Dolar index hiện nay sẽ giữ mức 95 điểm trở lên sẽ khiến giá vàng khó vượt quan mức 1.500 USD/Ounce, mà nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới 1.300 USD/Ounce trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, quan sát giá dầu trong tháng 7 cũng cho thấy các điều kiện chống lại việc tăng giá vàng. Thống kê nhiều năm cho thấy, giá vàng và dầu luôn song hành tăng giảm, chỉ trừ một ít thời điểm khác biệt.

Giá dầu trong quý II/2016 tăng khá mạnh cùng thời điểm giá vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá dầu tháng 7 đã bắt đầu suy giảm theo đà tăng của DXY.

Theo ước tính, khi giá vàng tăng trên 1.500 USD/Ounce thì giá dầu cũng sẽ leo trên 70 USD/thùng. Tuy nhiên, các nhận định về giá dầu đều cho rằng, vàng đen sẽ khó vượt qua mức 60 USD mà nhiều khả năng dao động trong mức 50 USD/thùng, tương đương với giá vàng trong khoản 1.200 – 1.300 USD/Ounce.

Giá dầu tháng 7 bắt đầy suy giảm là dấu hiệu vàng sẽ giảm tương ứng.


Vàng trong nước khó vượt mốc 40 triệu đồng một lượng

Việc tăng – giảm giá vàng trong nước hiện nay khó dự đoán hơn giá thế giới, do bên cạnh việc phụ thuộc vào giá thế giới, giá vàng trong nước còn chịu tác động rất mạnh trong ngắn hạn, bởi chính sách Chính phủ và biến động cung – cầu ngắn hạn.

Diễn tiến những năm trước cho thấy, giá vàng trong nước có lúc chênh 2 – 4 triệu đồng/lượng so với thế giới. Có những lúc giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng, do lực mua quá mạnh, trong khi thị trường không có những công cụ đánh xuống như thế giới, cũng như nguồn cung không liên thông thế giới.

Tuy nhiên, về trung hạn thì giá trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào giá thế giới và chính sách tỷ giá của Chính phủ. Như đã phân tích ở trên, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ đi ngang và suy giảm, sẽ không hỗ trợ lực tăng của giá vàng trong nước. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, Chính phủ vẫn thực thi chính sách ổn định tiền tệ và cung tiền có kiểm soát, nên tỷ giá sẽ khó tăng mạnh.

Theo đó, giá vàng nước khó vượt qua mức 40 triệu đồng/lượng, và sẽ biến động trong khoản 36 – 38 triệu đồng trong giai đoạn cuối năm.

Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng lại tiếp tục giảm. Vàng SJC đang được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức bán ra còn 37 triệu đồng, mua vào là 36,6 triệu. Trước đó, phiên giao dịch hôm qua, thị trường vàng trong nước cũng giảm gần 200 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới vào đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, vàng đã giảm đến 2% so với hôm trước đó. Giá vàng giao ngay đứng ở 1.332,86 USD/Ounce. Vàng giao tháng 8trên sàn Comex cũng giảm 1,6%, xuống 1.335,3 USD/Ounce.

Kim loại quý này giảm giá mạnh là do những lo ngại về việc Anh rời EU đã tạm lắng xuống đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.

Tác giả bài viết: TS Đinh Thế Hiển

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP