Lý do là giá lúa lúc đó đang xuống thấp khi vào vụ thu hoạch rộ, bình quân thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ và khó tiêu thụ. Còn đến thời điểm này, tình trạng giá lúa giảm đã diễn ra đồng loạt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại các tỉnh Ðồng Tháp, An Giang, giá lúa IR 50404 chỉ ở mức 4.300 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Với mức giá này, trừ hết chi phí, người dân chỉ còn lợi nhuận 300 đến 400 nghìn đồng/1.000 m2. Ðây là mức lợi nhuận quá thấp so với công sức và chi phí bỏ ra trong một vụ lúa.
Ngày 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với một số bộ, ngành về việc tạm trữ lúa gạo và bàn giải pháp đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao; đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm có đủ vốn thu mua tạm trữ. Các địa phương có trách nhiệm giám sát việc thu mua lúa để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nông dân.
Những chỉ đạo này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là từ nhiều năm nay, lúa mất giá khi vào vụ thu hoạch rộ thường xuyên diễn ra. Phân tích kỹ ở vụ đông xuân này cho thấy, nguyên nhân giá lúa giảm là do thương lái và doanh nghiệp thiếu vốn thu mua, trong khi thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu đang gặp khó. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong nửa đầu tháng 1-2019, sản lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt khoảng 132 nghìn tấn, giảm hơn 31% so cùng kỳ; giá gạo xuất khẩu cũng giảm từ 400 USD/tấn (gạo 5% tấm), xuống mức 340 đến 350 USD/tấn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp giải thích họ đã đầu tư khá nhiều cho việc xây dựng hạ tầng và các vùng nguyên liệu sản xuất, trong khi lượng vốn vay ngắn hạn mà các ngân hàng cho vay không đáng kể nên ở thời điểm này, khó thu mua hết lúa cho nông dân. Lý do này có vẻ hợp lý, và đã được đưa ra từ nhiều năm nay, qua nhiều vụ lúa khác nhau. Tuy nhiên, ở vụ đông xuân này, thực tế cho thấy, giá thấp chủ yếu xảy ra đối với lúa thường IR 50404, còn giá lúa hữu cơ và lúa chất lượng cao Jasmine vẫn ở mức cao. Cụ thể, tại Sóc Trăng, lúa ST 24 và ST 24 hữu cơ vẫn có giá 8.000 đồng/kg và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Ðiều này cho thấy, nguyên nhân giá lúa thấp bắt nguồn ngay từ cơ cấu giống gieo trồng. Như lúa IR 50404 từ lâu đã được các nhà khoa học và các địa phương khuyến cáo hạn chế sản xuất vì bất cập về giá và dễ bị sâu bệnh làm hại, song hầu như người dân ít quan tâm thực hiện. Thêm vào đó, giống lúa Jasmine vốn có giá ổn định ở mức cao, lại được thị trường ưa chuộng thì trong vụ đông xuân vừa qua, tại nhiều địa phương, giống này đã giảm 50%, thay vào đó là giống Ðài Thơm 8 sản xuất tràn lan, không theo quy hoạch. Ðến khi thu hoạch, thị trường thừa IR 50404 và Ðài Thơm 8 thì chuyện xuống giá là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, việc nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước và ngân hàng có giải pháp "bơm vốn" để có điều kiện tài chính thu mua lúa cho nông dân cũng là điều dễ hiểu vì họ không mặn mà tự "thu xếp" vốn thu mua những giống lúa đang tồn nhiều trên thị trường.
Mặc dù ngày 18-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua lúa gạo, song có thể thấy, điều đáng suy ngẫm vẫn là việc quy hoạch trồng lúa, chọn giống lúa gieo trồng của từng địa phương; là hướng mục tiêu trồng các giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ thay vì các giống lúa phẩm cấp thấp, năng suất cao. Ðể làm được, cần sự định hướng quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự liên kết sản xuất giữa các địa phương trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra nhiều phân khúc lúa khác nhau, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, hạn chế và dần dần loại bỏ tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.
Tác giả: Tiến Anh
Nguồn tin: Báo Nhân dân