Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, cùng với gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, đặc sản Vải thiều Lục Ngạn đang được xác định là một trong 3 sản phẩm được lựa chọn để trở thành sản phẩm 5 sao cấp quốc gia giai đoạn 2018 - 2020 trong chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đang được Bắc Giang đẩy mạnh triển khai.
Thực tế, đặc sản Vải thiều Lục Ngạn hiện có gần 16 ngàn ha. Trong số này, diện tích Vải thiều Lục Ngạn được sản xuất theo quy trình Thực hành tốt nông nghiệp - VietGAP là gần 11 ngàn ha. Hơn 2 ngàn ha được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã vùng trồng. Vải thiều Lục Ngạn cũng đã được hoàn thành việc bảo hộ tại 8 quốc gia trên thế giới.
Vải thiều - một đặc sản của Lục Ngạn - Bắc Giang. Ảnh: Vaithieu |
Năm 2018, do làm tốt khâu trồng trọt và chăm sóc nên chất lượng và sản lượng Vải thiều Lục Ngạn đạt mức cao, sản lượng lên đến hơn 207 nghìn tấn; tiêu thụ nội địa tăng, thị trường xuất khẩu vươn tới 30 quốc gia, vùng lãnh thổ; giá bán hợp lý, trung bình đạt 17 nghìn đồng/kg...
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 81,3 nghìn tấn; các thị trường khác khoảng 1 nghìn tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước cũng được mở rộng, chiếm gần 60% sản lượng, tăng 10 - 15% so với năm 2017.
Theo thống kê, khối lượng lớn Vải thiều được đưa vào hệ thống các siêu thị Coop.Mart, BigC, Happro trên cả nước tặng mạnh so với năm trước.
Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Nếu thành công, đây là sẽ là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.
Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục đích Đề án này hướng vào góp phần phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững.
Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, trong thời gian tới tỉnh này sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hóa; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng KH&CN.
Tác giả: Hồng Anh
Nguồn tin: VietQ.vn