Xấu hổ vì mặt sân xấu
Sau 18 năm lên chuyên nghiệp, cơ sở vật chất sân bãi, đặc biệt là mặt cỏ vẫn là hạn chế lớn của V-League so với các giải đấu khác. Còn nhớ khi HLV Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông đã thẳng thắn chê rất nhiều sân ở V-League có chất lượng mặt sân quá tồi, rồi thốt lên: “Đến Messi cũng khó mà đá tốt trên mặt sân như mặt ruộng thế này”.
Đến từ một nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, đương nhiên ông Miura cảm thấy rất không hài lòng, thậm chí khó chịu và xấu hổ khi các đồng nghiệp chê mặt sân cỏ Việt Nam ở những cuộc hội thảo của AFC.
Chỉ ít ngày trước, HLV Raul Longhi bên phía CLB Johor Darul Ta'zim (Malaysia) cũng đã phàn nàn về mặt sân Vinh quá xấu và cho đó là lý do khiến đội bóng của ông thất bại 0-2 trước SLNA ở AFC Cup 2018.
Mặt sân Lạch Tray từng có lúc tệ hại như thế này |
Còn trên sân Lạch Tray mấp mô như ruộng cày, các cầu thủ HAGL vừa đá vừa nơm nớp lo chấn thương. Tiền vệ Xuân Trường cho biết anh không thể ngờ mặt sân V-League lại tệ như vậy. Mặt sân xấu, đương nhiên những đội bóng chơi kỹ thuật như HAGL sẽ không thể phát huy được sức mạnh của mình.
Hầu như mùa giải nào VPF phải đánh công văn yêu cầu đội bóng cải thiện chất lượng mặt cỏ sân bóng cùng các điều kiện khác theo đúng quy định của AFC. Để khuyến khích các CLB quan tâm hơn tới chất lượng mặt sân, từ năm 2017, VPF đã đưa thêm một hạng mục giải thưởng vào Gala tổng kết năm là CLB có mặt sân thi đấu tốt nhất.
Nhưng mọi thứ cũng không có nhiều thay đổi. Các ông bầu đội bóng sẵn sàng thưởng vài trăm triệu cho mỗi trận thắng, nhưng lại “xót ruột” khi bỏ ra hơn 1 tỷ để cải tạo mặt sân cũng như các phòng chức năng. Cách đối phó của các đội bóng này là khi nào bị nhắc nhở thì mới làm, nhưng làm kiểu cho có.
Học láng giềng, Hàng Đẫy đẹp như sân… Ngoại hạng Anh
Những ai đến sân Hàng Đẫy mùa này để xem V-League, đều phải trầm trồ khen chất lượng mặt cỏ “chẳng khác gì ở giải ngoại hạng Anh”.
Nhiều năm trước, mặt cỏ sân Hàng Đẫy cũng thuộc tốp những sân xấu nhất V-League. Tuy nhiên ở mùa giải 2017, CLB Hà Nội đã thuê sân Mỹ Đình để đá V-League, nhằm cải tạo toàn bộ mặt sân Hàng Đẫy theo tiêu chuẩn của Thái Lan.
Mặt sân Hàng Đẫy như được khoác chiếc áo mới. Ảnh: Quang Minh |
Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội cho biết, khi sang Thái Lan xem bóng đá, ông thấy hầu hết các sân có mặt cỏ được thiết kế và đạt chất lượng tương đương sân cỏ giải Ngoại hạng Anh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hội, sân vận động phải trở thành không gian văn hóa, giải trí phục vụ người hâm mộ, thay vì chỉ đơn thuần là nơi diễn ra các trận bóng đá. Ngoài mặt sân, các đội bóng chuyên nghiệp còn phải phát triển cải tạo khán đài, phòng thay đồ, đường piste, đến cả… nhà vệ sinh.
Quan điểm của đội bóng thủ đô là họ phải đặt khán giả lên hàng đầu. Khán giả mua vé vào sân, và họ phải được sử dụng sản phẩm tốt nhất, phải được xem những mặt sân đẹp nhất.
Nói là làm, chỉ sau gần 1 năm đóng cửa sửa chữa, Hàng Đẫy đã sở hữu một mặt sân khiến nhiều đội bóng phải mơ ước. Dĩ nhiên số tiền mà CLB Hà Nội bỏ ra cũng không hề nhỏ, nhưng họ buộc phải có sự đầu tư, thay đổi tư duy làm bóng đá, từ những điều nhỏ nhất.
Hàng Đẫy được xây mới, đẹp ngang Mỹ Đình Ngày 27/3, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng sân vận động Hàng Đẫy. Bầu Hiển cho biết sân Hàng Đẫy sẽ được xây mới hoàn toàn, trở thành SVĐ quốc tế thứ hai ở Hà Nội bên cạnh sân Mỹ Đình. |
Tác giả: Song Ngư
Nguồn tin: Báo VietNamNet