Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 1-2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hai bên nhất trí trình lãnh đạo cấp cao phê duyệt để tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng, Việt Nam, dự kiến vào tháng 3-2018. Thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu sân bay sẽ cập cảng Đà Nẵng là tàu USS Carl Vinson.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ trong một lần tuần tra trên Biển Đông |
USS Carl Vinson là siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz thứ ba của Mỹ, là 1 trong 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz, thuộc biên chế của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ. Đóng vai trò là kỳ hạm của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 (CSG-1), tàu USS Carl Vinson đang hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
USS Carl Vinson được đặt theo tên nghị sĩ Carl Vinson (bang Georgia) để ghi nhận những đóng góp của ông cho hải quân Mỹ. Tàu được được đặt hàng vào năm 1974, hạ thủy năm 1980 và chính thức phiên chế năm 1982.
Các tàu sân bay hạt nhân luôn là biểu tượng sức mạnh của siêu cường Mỹ ở ngoài lãnh thổ. Riêng tàu sân bay USS Carl Vinson (chưa tính đến các tàu hộ tống, tàu ngầm đi kèm trong một nhóm tấn công) được xem là đã hội tụ sức mạnh lớn hơn hầu hết sức mạnh không quân của đa số các quốc gia trên thế giới.
USS Carl Vinson có thể chở tối đa 90 máy bay các loại - Ảnh: Getty |
Theo Military Factory, tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) có 2 lò phản ứng năng lượng hạt nhân Westinghouse-brand A4W cùng 4 tua-bin hơi, cho phép tàu đạt vận tốc 55 km/giờ với lượng giãn nước 97.000 tấn.
Để vận hành hết công năng của con tàu dài 332,84 m, rộng 76,81 m, cao 12,5 m, USS Carl Vinson có lực lượng thủy thủ đoàn hùng hậu lên tới 5.680 người.
Tàu USS Carl Vinson được trang bị khoảng 90 máy bay nhiều loại, bao gồm tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.
Khả năng tấn công của USS Carl Vinson được bổ trợ bằng năng lực phòng thủ gồm: 2 bệ phóng tên lửa đối không Sea Sparrow, 2 bệ phóng tên lửa đối không tầm gần RIM. Ngoài ra, 3 hệ thống vũ khí CIWS cung cấp năng lực chống tên lửa tầm gần/máy bay trong trường hợp các vật thể này có cơ may vượt qua hệ thống máy bay và năng lực phòng thủ của tàu sân bay USS Carl Vinson.
Mặt khác, USS Carl Vinson không hoạt động riêng rẽ mà nằm trong cụm tàu chiến đấu tàu sân bay Carl Vinson, được hộ tống bởi các tàu khu trục tên lửa USS Wayne E. Meyer (DDG-108) và USS Michael Murphy (DDG-112) đều thuộc lớp Arleigh Burke, cùng với tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) lớp Ticonderoga.
Trong đó, 2 tàu khu trục Mỹ có thể mang tới 128 quả tên lửa Tomahawk, còn tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị tới 122 quả tên lửa Tomahawk.
USS Carl Vinson đã từng được điều động tuần tra ở Biển Đông, được điều tới khu vực Bán đảo Triều Tiên...
Thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thảo luận về môi trường an ninh khu vực và cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng dựa trên kế hoạch hành động kéo dài 3 năm được thông qua hồi tháng 10 năm 2017, tập trung vào an ninh hàng hải, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai và các hoạt động gìn giữ hòa bình. Bộ trưởng Mattis nêu bật Chiến lược Quốc phòng 2018, tái khẳng định cam kết của Mỹ hợp tác với các đối tác như Việt Nam để duy trì trật tự dựa trên luật pháp trong một khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Bộ trưởng Mattis cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp, Đại tướng Ngô Xuân Lịch về nhiều vấn đề như một trật tự thế giới tự do và mở, dựa trên pháp quyền, luật pháp quốc tế, tự do đi lại ở Biển Đông, đưa tàu sân bay đến thăm Việt Nam… Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một mối quan hệ quốc phòng Mỹ và Việt Nam vững mạnh giúp tăng cường an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải, tôn trọng pháp luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia. |
Tác giả: Lam Phương
Nguồn tin: Báo Người lao động