NLÐ dự phỏng vấn trực tuyến với DN tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến. |
Cuối tháng 8-2023, phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố lân cận quý III-2023, do Trung tâm DVVL thành phố tổ chức kết nối đến 18 điểm cầu trung tâm DVVL tỉnh, thành phố, đã thu hút 302 doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển dụng, với nhu cầu 21.272 vị trí việc làm, đa dạng ngành nghề, trình độ. Cùng với 45 DN tham gia tuyển dụng trên 630 vị trí việc làm tại Trung tâm DVVL thành phố, tỉnh Bình Dương có 14 DN tham gia, với 685 vị trí việc làm; TP Hồ Chí Minh có 32 DN, với 6.015 vị trí việc làm; tỉnh Sóc Trăng có 19 DN, với 508 vị trí việc làm… NLĐ được tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; hướng dẫn tiếp xúc nhà tuyển dụng qua mạng internet, đăng ký tìm việc tại Cổng thông tin việc làm Cần Thơ www.vieclamcantho.vn.. Anh Trần Thanh Khang, phụ trách nhân sự, Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Bảo Việt Toàn Cầu, cho biết: “Công ty phối hợp đăng tải nhu cầu tuyển dụng lao động ủy thác qua kênh Trung tâm DVVL thành phố. Việc ứng dụng CNTT trong tuyển dụng rất thiết thực, nhanh chóng, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công việc. Mỗi ngày, Công ty tiếp nhận và tư vấn trực tuyến khoảng 50 lượt hồ sơ dự tuyển vị trí bảo vệ”.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm DVVL thành phố tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề 93.268 lượt người; giới thiệu việc làm trong và ngoài nước 9.404 lượt; cung ứng 1.005 lượt lao động làm việc trong nước… Chị Nguyễn Hương Giang, ở quận Bình Thủy, tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật môi trường, nói: “Tôi thường xuyên tìm hiểu các kênh đăng tải thông tin tuyển dụng khá chi tiết, cụ thể về điều kiện, công việc tại Trung tâm DVVL thành phố. Việc ứng dụng CNTT tạo cơ hội thuận tiện để DN và NLĐ trao đổi thông tin và kết nối việc làm”.
Thông qua ứng dụng CNTT, Trung tâm DVVL thành phố tổng hợp và thông tin cho NLĐ về top 10 kỹ năng đến năm 2025 NLĐ cần trang bị để thích ứng thị trường lao động và nhu cầu DN; một số yêu cầu quan trọng đối với học sinh, sinh viên thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Trung tâm ứng dụng hiệu quả CNTT trong hỗ trợ NLĐ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Anh Nguyễn Đức Thịnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, có trên 2 năm làm công nhân công ty sản xuất gốm sứ ở tỉnh Bình Dương.
Do công ty sản xuất cầm chừng, thu nhập bấp bênh, anh Thịnh quyết định nghỉ việc trở về quê, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và tham gia học nghề kỹ thuật điện lạnh, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn. Anh Thịnh chia sẻ: “Tôi được hướng dẫn thực hiện thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cụ thể, nhanh chóng. Qua tư vấn, tôi chọn học nghề điện lạnh với mong muốn có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống tại quê nhà, không bôn ba tìm việc nữa”.
Trong các hoạt động tư vấn học nghề, việc làm, Trung tâm tăng cường ứng dụng CNTT trong các bản tin tuyển dụng trong nước, bản tin việc làm Cần Thơ, thông tin cơ hội việc làm, nghề nghiệp đối với NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, video clip chuyên mục bạn cần biết, buổi livestream việc làm trong nước… đăng tải trên Cổng thông tin việc làm Cần Thơ, Zalo/Fanpage “Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ”. Qua đó, NLĐ trang bị kiến thức, kỹ năng trước khi dự tuyển, nâng cao khả năng trúng tuyển.
Tại các phiên giao dịch, Trung tâm DVVL bố trí nhân viên hướng dẫn NLĐ cách sử dụng phần mềm dự phỏng vấn trực tuyến với DN. Chị Nguyễn Thị Chi, ở quận Ninh Kiều, từng tham gia dự tuyển trực tuyến vị trí nhân viên buồng phòng cho một nhà hàng - khách sạn. Chị Chi cho biết: “Lúc đầu, chưa quen hình thức phỏng vấn trực tuyến nên tôi khá lúng túng. Được nhân viên hướng dẫn các thao tác kỹ thuật sử dụng phần mềm và một số kỹ năng cơ bản, tôi bình tĩnh hơn và phỏng vấn đạt yêu cầu”.
Thời gian tới, Trung tâm DVVL thành phố tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó, chú trọng các phiên giao dịch việc làm kết hợp trực tiếp và trực tuyến để DN và NLĐ lựa chọn hình thức tham gia phù hợp. Qua đó, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2023, như tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề 171.800 lượt; giới thiệu việc làm trong và ngoài nước 16.600 lượt; cung ứng 1.530 lượt lao động làm việc trong nước; thông tin việc làm trống 14.000 lượt…
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực hay các hoạt động kết nối việc làm tại Trung tâm DVVL thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các DN tuyển dụng lao động theo nhu cầu; các trường đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp giới thiệu, cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho thị trường lao động và NLĐ tìm được việc làm phù hợp. Đồng thời, tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác 3 bên giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN và Trung tâm DVVL trong kết nối việc làm cho NLĐ.
Tác giả: ANH PHƯƠNG
Nguồn tin: Báo Cần thơ