Hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại khu vực chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024, sáng 18/9, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố Cần Thơ, đã phát động lễ ra quân triển khai hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại khu vực chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều.
Sự kiện trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc giảm thiểu rác thải, dọn rác thải trên sông và môi trường xung quanh đồng thời tăng cường thu gom cho tái chế, tái sử dụng; tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan nhằm cải thiện hiệu quả việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Cần Thơ.
Mỗi ngày Cần Thơ phát thải khoảng 650 tấn rác
Tại sự kiện, bà Dzeneta Mulabegovic - Cố vấn chiến lược của Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho hay hàng năm, Việt Nam thải ra khoảng 3 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có khoảng 2,5% lượng rác thải rò rỉ ra các tuyến đường thủy; một phần rác thải nhựa trôi nổi ra sông, dạt gần bờ biển và ra ngoài khơi.
“Các nghiên cứu từ năm 2021 chỉ ra rằng rác thải trôi nổi từ các dòng sông góp phần nhiều nhất vào tình trạng ô nhiễm nhựa ở đại dương,” bà Dzeneta Mulabegovic nói.
Riêng đối với Cần Thơ, theo cố vấn chiến lược của Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, mỗi ngày, thành phố này phát thải khoảng 650 tấn rác. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác cao (đạt 85%), song thành phố vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý rác thải rò rỉ trên các tuyến đường thủy, chợ nổi, sông, hồ; từ đó ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như hệ sinh thái tự nhiên.
Vì vậy để giải quyết được vấn đề trên, bà Dzeneta Mulabegovic cho rằng cần phải có giải pháp toàn diện ở các cấp, ngành, đặc biệt là thay đổi hành vi, thói quen xả thải cũng như thu gom, phân loại, xử lý hiệu quả rác thải rắn sinh hoạt.
Lễ ra quân hưởng ứng Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024 tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
“Một trong những giải pháp trọng tâm chính mà thành phố Cần Thơ cần ưu tiên, đó là triển khai các hệ thống tự động thu gom rác thải một cách hiệu quả vào bờ - nơi rác thải có thể được xử lý bởi hệ thống quản lý rác thải của thành phố. Cách tiếp cận này giúp ngăn chặn rác thải và nhựa thải trôi nổi trên các sông trước khi đổ ra biển, giảm ô nhiễm nhựa ở đại dương,” bà Dzeneta Mulabegovic nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện UNDP tại Việt Nam cũng kêu gọi sự tham gia của tất cả cộng đồng, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia, hưởng ứng các hoạt động làm sạch môi trường, giảm rác thải vì tương lai xanh, sạch và đáng sống hơn.
Rác thải được thu gom trên sông Cần Thơ tại khu vực chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
“Từng cá nhân có thể góp phần vào việc ngăn chặn ô nhiễm nhựa tại nguồn và tạo không gian sống sạch hơn như thông điệp, chủ đề của Ngày Làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024 là tạo không gian cho sự sống. Những nỗ lực nhỏ để có thể dẫn đến những thay đổi lớn và mọi người đều có thể trở thành Anh hùng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa,” đại diện UNDP tại Việt Nam nói.
5 nhóm giải pháp trọng tâm
Từ thực tiễn của địa phương cũng như khuyến nghị của UNDP tại Việt Nam, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết hàng năm, thành phố này đều tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn. Việc này đã góp phần tạo sức lan tỏa và chuyển biến quan trọng tới toàn thể cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Vì vậy, thông qua sự kiện hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2024, ông Hiển kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hội viên, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn thành phố sẽ có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường.
Rác thải sau khi thu gom được công nhân của Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ tiếp nhận đưa đi xử lý. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Theo đó, ông Hiển đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như phát động phong trào cộng đồng ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng nhiều cây xanh, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh rạch.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp địa phương cần đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường tại địa phương, đơn vị như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các rác thải phát sinh theo đúng quy định cùng các vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Thứ hai, các địa phương cần tiếp tục triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tập trung vào các quy định mới, lồng ghép các nội dung về kinh tế xanh, phát triển bền vững trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của cơ quan, đơn vị và địa phương.
Thứ ba, các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đáp ứng theo quy định bảo vệ môi trường, đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiến tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững.
Thưa tư, các cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên, người dân thành phố cần phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia vệ sinh môi trường đảm bảo tạo dấu ấn mới về số lượng và chất lượng (nhất là đối với các địa phương thực sự khó khăn) để phát huy được tinh thần xung kích, tự nguyện và sáng tạo của thanh niên.
Nhiệm vụ thứ năm theo ông Hiển là các địa phương cần triển khai nhân rộng các mô hình, mô hình mới, các sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, các nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định.
“Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi người, toàn thể nhân dân Cần Thơ hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan môi trường trong lành, sạch đẹp góp phần xây dựng thành phố ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp, phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh, hiện đại,” ông Hiển nhấn mạnh.
Ngay sau lễ phát động, đông đảo đại biểu, thanh niên và người dân địa phương đã cùng nhau tham gia thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại khu vực chợ nổi Cái Răng trên sông Cần Thơ; tham quan Hệ thống Intercepror 003 (hay còn gọi là tàu vớt rác tự động) của tổ chức Làm sạch đại dương (TOC) đặt trên sông Cần Thơ.
Theo đại diện UNDP tại Việt Nam, trong 3 năm qua, hệ thống thu gom rác thải tự động trên sông Cần Thơ đã thu gom được hơn 200 tấn rác thải nhựa ở trên sông./.
Tác giả: Hùng Võ
Nguồn tin: vietnamplus.vn