Thể thao

Uẩn khúc sau sự tệ hại của U19 Việt Nam

Sau thất bại 2-5 trước Australia tối qua tại SVĐ Hàng Đẫy, HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ trích các học trò đã có tinh thần, thái độ thi đấu không tốt từ đầu giải...

Không dừng lại ở chuyện chỉ trích các học trò, HLV Hoàng Anh Tuấn còn trách về tận các CLB, cho rằng ở cấp đội bóng, đào tạo trẻ có vấn đề nên khi lên tuyển, các cầu thủ mới thể hiện không đúng yêu cầu.

Khi được hỏi kĩ hơn đó chính xác là những tinh thần, thái độ nào, HLV Hoàng Anh Tuấn trả lời: "Nếu chúng tôi biết chính xác thì đã giải quyết được tận gốc rễ rồi".

U19 Đông Nam Á: U19 Việt Nam 2-5 U19 Australia


Về vấn đề này, nhà báo Minh Hải nói:

"Đó không phải câu chuyện mới. Mỗi CLB phát triển khác nhau, lên tuyển sẽ không có ngôn ngữ chung. Các địa phương có sự quan tâm khác nhau cho bóng đá trẻ, nên sự phát triển khá chênh lệch.

Như HAGL chú tâm hơn tới kĩ chiến thuật nên bị chê thể lực kém, 1 vs 1 yếu. Còn SLNA thì chú trọng yếu tố tinh thần hơn, tuyệt đối hóa sức mạnh ý chí. Vì thế khi phát triển lên sẽ có kiếm khuyết. Đó là do định hướng phát triển.

Hiện tại Hà Nội T&T và 1 phần là SHB Đà Nẵng đã dung hòa 2 yếu tố nói trên. Vấn đề của HLV Hoàng Anh Tuấn là hơi thẳng thắn quá, dễ gây hiểu lầm là đang đổ lỗi.

Nhưng những ai hiểu chuyện thì sẽ nghĩ là anh ấy đang muốn nói: Chúng tôi không thể xuống tận gốc để xử lý vấn đề.

VFF không có trách nhiệm, quyền yêu cầu những lò đào tạo làm theo hướng mình đặt ra. Các CLB thì sẽ phản ứng, rằng chúng nó đá ở CLB vẫn tốt, các anh còn gọi lên ĐTQG thì giờ tại sao lại chê? Hay do các anh không dạy bảo được thì đổ cho chúng tôi?"

U19 Việt Nam không có tinh thần và thái độ tốt tại giải U19 ĐNÁ 2016?


Theo nhà báo Minh Hải, để giải quyết độ vênh này cần hành động của vị Giám đốc kĩ thuật mới người Đức, vừa ký hợp đồng cùng VFF, ông Hans Juergen Gede. Cách hay nhất là ông Gede cần đưa ra được một giáo án chuẩn, rồi truyền đạt tới các CLB để khuyên dùng.

Trở lại với màn trình diễn tại giải U19 ĐNÁ của U19 Việt Nam, nhà báo Minh Hải nói:

"Chúng ta bị đội yếu như Phillippines ghi bàn, rồi bị Singapore cầm hòa thì đó là vấn đề. Lứa U19 đã mất đi nhiều cầu thủ quan trọng vì V-League hay Cúp quốc gia. Và chất lượng lứa cầu thủ này đang bị chững, khi so sánh với lứa HAGL.

So sánh thì ngay cả U19 HAGL bây giờ cũng không bằng lứa đàn anh. Phan Thanh Hậu chưa bì được với Xuân Trường, Tuấn Anh. Hẫng về thế hệ là rất bình thường. Man United tìm người thay Rooney cũng khó. Ronaldo hay Messi mà nghỉ thì là lỗ hổng lớn cho CLB hay ĐTQG".

HLV Hữu Thắng và GĐKT Hans Juergen Gede cần làm gạch nối giữa VFF với các CLB trong việc phát triển đào tạo trẻ.


Cuối cùng, anh chỉ ra 3 điểm mấu chốt để Việt Nam có thể phát triển bóng đá trẻ tốt hơn:

"Chúng ta cần nhìn đúng vào chuyên môn. Ở đây có 3 vấn đề:

- Các CLB chưa coi trọng lắm việc đào tạo cầu thủ trẻ bài bản, có lớp lang đàng hoàng, chứ không phải cứ tập là được. Tập sao, ăn uống sao... chứ không phải cứ ông thầy nào không biết làm gì thì cho đi đào tạo trẻ.

- Cần phải đào tạo những người đi đào tạo trẻ. Cần phải có những ông thầy giỏi. Như thế mới phát triển các em được.

- Học thì phải đi đôi với hành, các em cần được thi đấu nhiều. Ví dụ Hải Phòng không có đội trẻ mạnh, thì các em 1 năm chỉ được chơi chính thức 3 – 4 trận, đá xong vòng loại là hết. Cầu thủ nào trước giải chấn thương thì cả năm không được đấu.

Rồi Liên đoàn cũng cần có hỗ trợ về giáo án, chuyên gia, người quan trọng nhất là HLV trưởng và ông GĐKT, cần đóng vai trò gạch nối".

Thua toàn diện người Thái

Việt Nam đang thua Thái Lan ở bóng đá trẻ, ĐTQG và cả phong trào cổ vũ. Ở trận U19 Thái Lan thắng U19 Đông Timor 2-1, Thái Lan chỉ có khoảng vài chục CĐV. Tuy nhiên họ đã tạo ra sự sôi nổi, huyên náo hơn hàng nghìn CĐV Việt.

"Đó là vấn đề liên quan tới văn hóa. Trước đây bóng đá Thái Lan cũng rất lộn xộn. Nhưng khi xã hội phát triển, họ rất văn minh. Ở sân Mỹ Đình, 1000 CĐV Thái cũng làm inh ỏi 1 góc.

Người Thái rất đoàn kết, thể hiện ở màu áo họ mặc. Ví dụ 1000 người sang Việt Nam thì đồng loạt mặc áo xanh. Còn người VN thì hơi manh mún, người thì áo trắng, áo đỏ, người thì áo CLB, thậm chí cổ vũ ĐTQG nhưng lại tưởng nhớ tới thế hệ khác. Đó là ở vấn đề văn hóa.

Cả phóng viên Thái Lan, thường phản biện mạnh mẽ nhưng khi đội vào giải thì họ luôn ủng hộ. Kể cả viết không tích cực thì cách tiếp nhận, xử lý thông tin rất chia sẻ, đồng cảm và đóng góp.

Đó là ở văn hóa cổ vũ mỗi người và cần thời gian để bồi đắp. Khi ra Hàng Đẫy thì tôi rất ấn tượng với VFS (Hội CĐV bóng đá Việt Nam), dù không nhiều nhưng đã tạo được không khí sôi động. Họ đang muốn xây dựng một lực lượng cổ vũ mới đông đảo và bền vững, đó là điều rất tốt" – nhà báo Minh Hải.

Tác giả bài viết: Đoàn Dự

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP