Nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), ông Nhậm Chính Phi đã sử dụng những lời lẽ cứng rắn đáp trả các nỗ lực của Mỹ ngăn chặn Huawei mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, cũng như tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Phi – con gái ông và là Phó Chủ tịch tập đoàn này sang Mỹ.
Tỷ phú Nhậm Chính Phi. Ảnh: BBC. |
Trả lời phỏng vấn tờ BBC ngày 18/2, ông Nhậm Chính Phi nói: “Mỹ không thể đè bẹp chúng tôi bằng bất cứ cách nào. Thế giới cần đến Huawei bởi vì chúng tôi tiên tiến hơn”. "Kể cả khi Mỹ thuyết phục các nước khác tạm thời ngừng sử dụng các thiết bị của Huawei, chúng tôi chỉ cần thu nhỏ quy mô lại một chút. Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn tỏa sáng. Mỹ không đại diện cho toàn thế giới”, ông Nhậm khẳng định.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Nhậm đã phản đối yêu cầu của Mỹ đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, cho rằng điều này hoàn toàn “mang động cơ chính trị”. “Họ cho rằng nếu họ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, Huawei sẽ sụp đổ, nhưng chúng tôi không sụp đổ. Chúng tôi vẫn đang tiến về phía trước”.
Huawei, nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đang phải đối phó với chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm thuyết phục các đồng minh của Washington loại bỏ công nghệ và trang thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới không dây 5G cung cấp kết nối siêu nhanh. Australia và New Zealand đã hạn chế các nhà mạng sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G. Anh, Đức cùng các quốc gia khác cũng đang xem xét áp dụng biện pháp này. Chính phủ Mỹ cáo buộc các sản phẩm của Huawei có thể bị tình báo Trung Quốc sử dụng để phục vụ cho hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, Huawei đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Các động thái của Mỹ đối với tập đoàn Huawei đã gây leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đe dọa làm gián đoạn việc triển khai mạng 5G trên toàn thế giới. Giới phân tích cho rằng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của Huawei, vốn rất mạnh tại các thị trường mới nổi, vẫn có thể được duy trì ngay cả khi chính phủ Mỹ thuyết phục thành công các đồng minh, bởi tập đoàn này được coi là vượt xa nhiều đối thủ trong công nghệ 5G và nhiều thiết bị mạng không dây của Huawei gần như không thể thay thế được.
Tuy nhiên, Huawei sẽ vẫn dễ bị tổn thương, đặc biệt khi chính phủ Mỹ sử dụng bản cáo trạng đối với tập đoàn này để cấm Huawei mua các linh kiện quan trọng từ các công ty Mỹ. Điều này sẽ khiến Huawei rơi vào cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng mà ZTE - đối thủ của tập đoàn này tại Trung Quốc từng gánh chịu./.
Tác giả: Hồng Anh
Nguồn tin: Báo VOV