Tin địa phương

Tuyên truyền, thực hiện phân loại rác

Nhằm tạo điều kiện cho Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ hoạt động thuận lợi tháng 11-2018, các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai đang trong giai đoạn nước rút tuyên truyền và đảm bảo người dân thực hiện phân loại rác đạt yêu cầu.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Thới tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ phân loại rác tại hộ gia đình. Ảnh: Q.LAM

Những tín hiệu vui

Chỉ 2 thùng rác chuyên dùng loại 60 lít đặt trên vỉa hè trước nhà, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, ngụ khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cho biết, gia đình bà và hàng xóm kế bên hùn tiền mua mấy tháng trước để có chỗ chứa rác hợp vệ sinh. Gia đình bà Vân kinh doanh dịch vụ ăn uống, lượng rác thải hằng ngày nhiều hơn so với các hộ khác. Bà Vân cho biết: “Được tuyên truyền, tôi hiểu hơn tác dụng việc phân loại rác tại nguồn. Chồng và con tôi nắm rất rõ kiến thức phân loại rác và tuân thủ quy định này”. Hướng dẫn chúng tôi xem mấy thùng rác nhỏ sau bếp, bà Vân kể vanh vách từng loại rác đốt được, không đốt được hay rác nguy hại. Bà vui vẻ nói, nắm rõ kiến thức để mỗi khi có thực khách hỏi hay nhờ tư vấn, bà sẵn sàng làm... tuyên truyền viên.

Còn bà Nguyễn Thị Nga, ngụ khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy, chia sẻ: “Khi nghe tuyên truyền, biết tình hình các bãi rác quá tải, sự ảnh hưởng của rác thải đối với môi trường và cuộc sống người dân xung quanh, đặc biệt được giải thích rõ hơn về cách thức phân loại, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền, tuân thủ tốt quy định phân loại rác thải”. Cũng theo bà Nga, trước đây, gia đình bà và nhiều hội viên có thói quen phân loại rác tái chế để bán phế liệu, lấy tiền tiết kiệm. Vì vậy, việc thực hiện phân loại rác theo quy định khá thuận lợi.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Thới, cho biết: “Hội chủ động gắn nội dung phân loại rác với Cuộc vận động “5 không, 3 sạch” và hoạt động tiết kiệm, gây quỹ tương trợ. Theo đó, phân loại rác tốt, bỏ rác đúng nơi góp phần làm sạch nhà, bếp và cảnh quan xung quanh. Số rác không đốt được có thể tái chế, hội viên bán phế liệu lấy tiền tiết kiệm. Số vốn này có thể đóng góp vào vốn vay xoay vòng của Chi hội hay giúp đỡ hội viên khó khăn, học sinh nghèo...".

Vẫn còn vướng mắc, khó khăn

Theo bà Cẩm Vân, hiện rác không đốt được và rác nguy hại mỗi tuần mới bỏ một lần. Nhưng các loại rác này thường dễ gây nguy hiểm nếu để trong nhà, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. Nếu để rác ngoài đường mà công nhân không thu gom, sẽ ảnh hưởng mỹ quan và vệ sinh môi trường. Bà đề xuất vận động xã hội hóa, 2-3 hộ gia đình hùn tiền mua thùng rác chuyên dụng chứa riêng rác không đốt được và rác nguy hại. Loại rác này phát sinh không nhiều trong dân, trừ các điểm kinh doanh giải khát, ăn uống hay công ty sản xuất, gia công các sản phẩm liên quan. Nhiều gia đình có thói quen bán phế liệu các loại vỏ chai, lon, bình nhựa… trong đó, nhiều loại chứa hóa chất nguy hại. Vì thế, việc phân loại rác ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bà Nga phân loại rác thải sinh hoạt theo quy định. Ảnh: MỸ TÚ

Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trà Nóc, cho biết: “Khó khăn nhiều nhất trong tuyên truyền là địa bàn nhiều nhà trọ công nhân hoặc với những gia đình nhiều thành viên, thường đi làm cả ngày, cán bộ hội cất công tuyên truyền đến 100% người dân. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ tuyên truyền còn hạn hẹp nên Hội gặp khó khi muốn đầu tư các công cụ tuyên truyền hoặc tổ chức những cuộc gặp gỡ tuyên truyền thường xuyên và chuyên nghiệp hơn”. Tháng 7-2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trà Nóc ra mắt mô hình Dân vận khéo “Vận động hội viên và nhân dân phân loại rác thải” ở khu dân cư vượt lũ thuộc khu vực 2. Hội vận động xã hội hóa mua tặng 150 hộ trong khu vực, mỗi hộ 2 sọt rác. Hội có danh sách các hộ dân ký cam kết thực hiện phân loại rác theo quy định.

Chia sẻ những khó khăn thực hiện phân loại rác, bà Nga thẳng thắn: “Trước đây, địa phương tuyên truyền phân 3 loại rác để vào 3 túi chứa có màu khác nhau. Cụ thể, rác đốt được vào túi màu xanh, rác không đốt được vào túi màu trắng và rác nguy hại vào túi màu đen. Người dân khá lúng túng và phiền phức vì nếu vậy, dễ phát sinh thêm chi phí mua túi chứa rác có màu theo quy định. Sau này, nghe tuyên truyền rác đốt được có thể cho vào các túi màu bất kỳ, không phải là màu trắng và đen là được, người dân đỡ phiền hơn”. Bà Nga cho biết thêm, công nhân gom rác quá tải, quá trình vận chuyển không cẩn thận che chắn, để rác rơi vãi khiến người dân không hài lòng. Bên cạnh đó, thời gian đầu áp dụng phân loại rác, công nhân nhất quyết không gom rác chưa phân loại cũng như không tuyên truyền, thuyết phục người dân tuân thủ quy định này, làm giảm hiệu quả tuyên truyền.

Việc phân loại rác thải tại nguồn trong dân cư là một trong những giải pháp căn cơ góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi triển khai phân loại rác thải tại nguồn, bước đầu sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc nhưng nếu có biện pháp tháo gỡ hợp lý cộng với sự kiên trì sẽ dần hình thành thói quen tốt, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành.

Tác giả: MỸ TÚ

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP