Giảng đường “trắng” thí sinh
Vẫn biết, tuyển sinh sư phạm năm nay chắc chắn sẽ gặp khó do những sắp xếp về hệ thống khối trường này sau thời gian đào tạo tràn lan, cung vượt quá cầu. Năm nay, chỉ tiêu sư phạm giảm, đầu vào sư phạm được quy định phải trên mức 17 đối với khối ĐH và 15 với khối CĐ. Bằng mức điểm thi đó, thực tế các em có nhiều lựa chọn trường công khác ngoài ngành sư phạm.
Tình trạng khan hiếm thí sinh đã diễn ra và lần đầu tiên sau nhiều năm, có những ngành trong các trường, hoàn toàn “trắng” thí sinh.
Ông Trần Xuân Hòa, Trưởng phòng đào tạo trường CĐSP Trung ương cho hay, các ngành như sư phạm Mỹ thuật, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Giáo dục công dân, sư phạm Kỹ thuật công nghiệp... dù được giao 20 chỉ tiêu mỗi ngành, nhưng đến nay vẫn chưa đủ thí sinh.
Ngành sư phạm Tin học tuyển được 4 thí sinh, sư phạm Âm nhạc được 7 em, sư phạm Kỹ thuật công nghiệp được 2 em. Riêng các ngành ngoài sư phạm, tới thời điểm nay chỉ có vài em đăng ký.
Tại trường CĐ sư phạm Bắc Ninh, kết thúc đợt 1 tuyển sinh, trường đạt 56% so với chỉ tiêu nhập học. Trong đó, ngành tuyển sinh đạt tỷ lệ cao nhất là giáo dục tiểu học, 28/30 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, nếu xét trên danh sách trúng tuyển thì tỷ lệ xác nhận nhập học cũng chỉ được hơn 50%, vì trường xác định danh sách trúng tuyển là 52 thí sinh.
Còn giáo dục mầm non, một trong những ngành thu hút nhiều thí sinh hiện nay, cũng chỉ có 74/121 thí sinh trúng tuyển đến xác nhận nhập học. Các ngành sư phạm còn lại của trường, số thí sinh trúng tuyển còn thấp hơn số chỉ tiêu được giao.
Trường CĐ sư phạm Lào Cai, kết thúc đợt 1, trường có 46 thí sinh mầm non, 31 thí sinh tiểu học, 16 thí sinh sư phạm tiếng Anh, 3 thí sinh sư phạm Ngữ văn, 1 thí sinh sư phạm Vật lý đến xác nhận nhập học. Tỷ lệ thí sinh đến xác nhận nhập học chỉ đạt 50%.
Một số ngành không có thí sinh đến xác nhận nhập học, như sư phạm Tin học, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật dù điểm chuẩn từ sàn (15 điểm). Chính vì vậy, trong đợt xét tuyển bổ sung, trường cần tuyển 160 chỉ tiêu nữa.
Tại trường CĐ sư phạm Thái Nguyên, trừ hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học tuyển đủ để mở lớp, các ngành còn lại sư phạm Toán có 4 thí sinh trúng tuyển, sư phạm Ngữ văn 5, sư phạm Vật lý 1, riêng sư phạm Sinh học không có thí sinh nào trúng tuyển.
Ngay cả các trường ĐH sư phạm cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Trường ĐH sư phạm, ĐH Huế chỉ có chưa đầy 50% thí sinh đến xác nhận trúng tuyển. Lãnh đạo trường cho biết, năm nay có 1.375 chỉ tiêu sư phạm nhưng mới chỉ có khoảng gần 500 thí sinh đến xác nhận nhập học. Chính vì vậy, trường cần tuyển bổ sung 744 chỉ tiêu.
Có những ngành hoàn toàn “trắng” thí sinh, trường CĐ sư phạm Gia Lai đặt điểm chuẩn cao, nổi bật là ngành sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm, các ngành sư phạm Hóa và sư phạm Lịch sử 20, sư phạm tiếng Anh 19, sư phạm Toán và Vật lý 18 điểm.
Và thực tế, không có thí sinh nào đạt mức điểm này vào trường. Nhiều câu hỏi đã từng được đặt ra rằng: Phải chăng, chỉ có rất ít thí sinh đăng ký, nên cứ nâng chuẩn cao, thế có nghĩa là ngành “trắng”, không phải mở lớp cho 1 hoặc 2 người học?
Năm nay, nhiều trường sư phạm chỉ có một vài thí sinh đến nhập học, thậm chí có ngành “trắng” thí sinh. (Ảnh minh họa) |
Hút người giỏi vào sư phạm bằng gì?
Thực tế là sau nhiều năm, Bộ GD&ĐT đã có những số liệu về con số giáo viên cả nước và dự đoán cung cầu những năm tới, việc cắt giảm chỉ tiêu, sắp xếp lại việc giao chỉ tiêu từ mùa tuyển sinh năm nay đã dự báo trước về một mùa tuyển sinh thực sự khó, có nhiều xáo trộn.
Các CĐ địa phương cũng có những chỉ tiêu đặt hàng đào tạo, thậm chí, được hứa hẹn sắp xếp việc làm khi ra trường, nhưng thí sinh vẫn “chưa mặn mà” với sư phạm.
Liên quan các trường khối ngành sư phạm đang gặp khó khăn trong tuyển sinh năm nay, trao đổi với báo chí, Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) nhận định: “Việc ngành sư phạm chưa thu hút sinh viên dù đã có địa chỉ sử dụng sau khi tốt nghiệp điều này cho thấy, việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh hiện nay chưa hẳn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo hay việc làm sau khi ra trường mà có thể lại phụ thuộc vào yếu tố tính hấp dẫn của nghề nghiệp”.
Bà Phụng nêu ví dụ, nhiều người cho rằng ngành sư phạm là ngành áp lực rất nhiều trước tương lai của đất nước, cha mẹ học sinh, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp thấp, khả năng làm thêm cũng khó khăn. Hơn nữa, tiền lương theo như quy định của các trường công lập cũng không hấp dẫn…
Tất cả những yếu tố này cho thấy, muốn thu hút sinh viên giỏi, người thực sự yêu nghề vào ngành sư phạm thì cần có giải pháp tổng thể từ thu nhập, vị trí nghề nghiệp, đánh giá xã hội đối với nghề nghiệp đó chứ không đơn thuần chỉ nói tới chất lượng mặc dù nâng cao chất lượng luôn là yếu tố tiên quyết.
Tác giả: Phan Thủy
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội