Giáo dục

Tư vấn xét tuyển vào trường quân đội 2019: Thí sinh tham gia sơ tuyển phải làm gì?

Điểm khác biệt của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại các trường Quân đội với đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài Quân đội là gì? Thủ tục sơ tuyển như thế nào?, Thí sinh tham gia sơ tuyển phải làm gì? Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển có phải đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia không? Tiêu chuẩn về lý lịch chính trị của thí sinh như thế nào?

Đó là thắc mắc của nhiều thí sinh năm nay có nguyện vọng vào học các trường quân đội.

Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự các trường quân đội phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc Phòng.

Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc Phòng trả lời:

Năm 2019, tất cả 18 học viện, trường quân đội có tuyển sinh đại học cao đẳng quân sự đều tổ chức xét tuyển vào đào tạo theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thực hiện xét tuyển từ kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự các trường quân đội phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc Phòng.

Điểm khác biệt lớn nhất của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào đào tạo ĐH,CĐ quân sự tại các trường quân đội và đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài quân đội là thí sinh phải qua sơ tuyển.

Theo đó, thí sinh là thanh niên ngoài quân đội đăng ký sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố), nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú; Thí sinh là quân nhân tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương.

Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành); các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về thủ tục sơ tuyển, mỗi thí sinh đăng ký sơ tuyển phải có 01 bộ hồ sơ sơ tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành thống nhất gồm:

  • 1 bản thẩm tra xác minh lý lịch (do cán bộ tuyển sinh quân sự cấp huyện và đơn vị đi thẩm tra);
  • 1 phiếu khám sức khỏe (do Hội đồng khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện và đơn vị khám);
  • 3 phiếu đăng ký sơ tuyển (do thí sinh tự khai, có xác nhận của Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện, đơn vị cấp trung đoàn);
  • Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên, nộp 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ, đúng quy định. Thí sinh không phải nộp bản sao học bạ trung học phổ thông.

Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt:

Đợt 1, vào tuần 3 và tuần 4/3/2019; Đợt 2 vào tuần 2 tháng 4/2019.

Thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội phải tham gia sơ tuyển và đăng ký tham dự Kỳ thi THPT quốc gia trong năm đăng ký dự tuyển để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH,CĐ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội, mua hồ sơ và đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại địa điểm do các Sở GD&ĐT quy định.

Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ mua hồ sơ làm thủ tục và đăng ký tham dự Kỳ thi THPT quốc gia tại địa điểm của thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2018 trở về trước) do các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố nơi đơn vị quân nhân đang đóng quân quy định.

Theo quy định của Bộ Quốc Phòng, để được đăng ký dự tuyển vào các trường quân đội, các thí sinh phải đủ các điều kiện về tiêu chuẩn là: Lý lịch chính trị, sức khỏe, độ tuổi, văn hóa.

Tự nguyện đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội; khi trúng tuyển vào học phải tuyệt đối chấp hành sự phân công công tác của nhà trường và Bộ Quốc phòng.

Phẩm chất đạo đức tốt, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (có lý lịch chính trị gia đình và bản thân phải rõ ràng, đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam).

Quân nhân phải được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP