Giáo dục

Từ thu giá đi đường đến... thu giá học sinh

Cái căn bệnh kỳ dị có tên là “Thu giá” này là ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục bị “lây nhiễm” từ ông Bộ trưởng Bộ Giao thông. Đây cũng là hai Bộ bê bối nhất hiện nay.

Thưa ông Trần Đăng Khoa! Tôi biết ông là một phụ huynh học sinh có hai con đang học phổ thông. Tôi cũng là một phụ huynh có đến ba đứa con đang theo học. Tôi đẻ hai lần. Một lần sinh đôi. Không phải chỉ chúng ta, hàng triệu các bậc cha mẹ hàng ngày lo đến thắt ruột vì chuyện học hành của con cái. Nhiều người phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí phải bán cả đất đai hương hỏa của ông bà để lại để cho con đi học nước ngoài. Họ cho con du học không phải “chuộng ngoại”, hay chạy theo “bọn tư bản đang giãy chết”, mà chỉ đơn giản là muốn thoát khỏi “nạn giáo dục” của Việt Nam. Ông đã có hàng trăm bài báo về giáo dục. Nếu tập hợp lại đã đủ in đến mấy cuốn sách dày. Vậy ông có bình luận gì về việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục muốn đổi “Thu học phí” thành “Thu giá các dịch vụ giáo dục”, nói gọn là “Thu giá học sinh”…

Hãy giữ gìn sự trong sáng và tôn nghiêm của môi trường giáo dục, để chúng ta có thể đàng hoàng “sánh vai với các cường quốc 5 châu” như Bác Hồ từng mong muốn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Chuyện này thì từ các vị đại biểu Quốc hội đang họp cho đến những người dân đều phản đối rầm rầm. Ngay các vị đại biểu Quốc hội cũng đã bác bỏ ngay tại chỗ ý định của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục rồi thì tôi có cần thiết phải “phản đối” thêm nữa không?

- Tôi muốn nghe lời bình luận của ông…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Cái căn bệnh kỳ dị có tên là “Thu giá” này là ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục bị “lây nhiễm” từ ông Bộ trưởng Bộ Giao thông. Đây cũng là hai Bộ bê bối nhất hiện nay. Căn bệnh truyền nhiễm mới này, đến các bác sĩ cũng “bó tay chấm com” vì không có thuốc chữa. Về vấn đề này, tôi với bà đã mù tịt lại còn dốt nữa, nên ta cứ “dựa cột” mà nghe các học giả và các nhà chuyên môn nói thôi. Theo ông Bộ trưởng Bộ Giao thông thì “dự án BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp tự định giá.

Còn phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội… và rất nhiều các cơ quan chức năng mới quyết định được. Từ đây, việc điều chỉnh tên gọi lại là thu giá để chính xác hơn về cách hiểu và cách vận dụng. Theo đó, nếu là thu giá, việc tăng giảm mức thu do doanh nghiệp xác định, đề xuất, Bộ Giao thông xem xét, quyết định. Tức là, việc điều chỉnh mức thu sẽ linh động hơn. Ngược lại, nếu để “nguyên tên” là thu phí BOT, việc điều chỉnh tăng giảm sẽ diễn ra rất chậm, vì thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và nhiều cơ quan khác”. Doanh nghiệp bỏ vốn ra làm đường thì doanh nghiệp thu lại phí đường để hồi lại vốn và có thêm một phần lãi là điều rất bình thường thôi, chẳng người dân nào băn khoăn. Nhân dân chỉ phản đối, thậm chí nổi giận vì những kẻ lợi dụng việc thu phí đó để trục lợi theo lợi ích nhóm. Nhiều cung đường chỉ sửa chữa vặt vãnh, có khi chỉ tráng qua một lớp nhựa phía trên nhưng họ vẫn thu phí như những cung đường vừa mới làm. Nhiều khi họ dựng những trạm BOT rất vô lý để nặn vét tiền dân. Có sự giám sát khá chặt chẽ của Hội đồng nhân dân và các cơ quan chức năng mà họ còn lách qua được, để họ “tự tung tự tác” thì không biết họ sẽ còn hoành hành tàn bạo như thế nào?

Có một nhà lãnh đạo đã nói rằng: Thu các loại như thế này cũng giống như vặt lông vịt, phải làm sao vặt cho sạch hết lông nhưng đừng để cho những con vịt kêu toáng lên. Khó có ai nói đầy đủ và sâu sắc hơn vị “đầy tớ của dân này”. Câu nói này đã được các mạng xã hội đưa lên và đánh giá là câu nói ấn tượng nhất năm 2017. Đề xuất chuyển “thu phí” thành “thu giá” đã bị dư luận phản đối rầm rầm. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - phân tích thẳng thừng: “Thu giá” thật ra là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của luật phí và lệ phí. Theo đó, luật phí và lệ phí quy định một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí.

Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí và được ban hành kèm theo luật. Nhưng phí BOT hiện không có trong Danh mục này - Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng viết. Từ đây, theo tiến sĩ, “đáng ra Bộ Giao thông nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục nói trên, thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm”. Thậm chí, tiến sĩ còn đánh giá khá “nặng” về quan điểm của ông Bộ trưởng: “Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được.

Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê”. Bây giờ, cái căn bệnh có tên là “Thu giá” đó lại “lây nhiễm” sang ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trình bày trước Quốc hội sáng 30/5 các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học và đổi cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”. Và như thế, việc thu học phí lại thành “thu giá”. Giá dịch vụ đào tạo. Nghe rất buồn cười. Vì rất phi giáo dục. Việc đào tạo, giáo dục đã thành chuyện kinh doanh, buôn bán. Rồi cứ cái đà “cải cách” thế này, không khéo các trường sẽ thành chợ. Các thầy cô khả kính hóa con buôn. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” sẽ không còn nữa.

Với lối nghĩ kỳ dị của người đứng đầu ngành giáo dục thế này, thì làm sao học trò còn kính yêu thầy cô, chiêm ngưỡng thầy cô như một đấng thiêng liêng được nữa. Và rồi chính các thầy cô cũng thành những kẻ “vặt lông vịt cho sạch”, làm sao mà thương yêu các em như những đứa con ruột thịt của mình được. “Mẹ của em ở trường - Là cô giáo mến thương”…

Chao ôi! Tất cả những vẻ đẹp của một thời rất đẹp ấy rồi sẽ trở thành dĩ vãng. Còn hiện tại chỉ là sự thật trần trụi “tiền trao cháo múc”. Có lẽ vì thế mới có chuyện thầy giáo với học trò đấm nhau như trẻ trâu rồi lại còn quay video đưa lên mạng xã hội cho cả thế giới “chiêm ngưỡng”. Rồi học trò đâm chết cô giáo ngay trên bục giảng. Chưa bao giờ đạo đức học đường lại xuống cấp thảm hại như hiện nay. Xin đừng nghĩ là tôi bi quan.

Tôi luôn tìm những vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày để nâng niu ca tụng nhằm đẩy lùi cái ác. Nhưng không thể làm ngơ trước cái ác đang lộng hành. Bây giờ cái ác đã lan đến cả chốn linh thiêng nhất là cõi học đường mà chúng ta vẫn loay hoay với những giải pháp lẩn thẩn chẳng đâu vào đâu. Ở Cuba, một đất nước đang có rất nhiều khó khăn do bị cấm vận, lương giáo sư đổi ra chỉ bằng 9 cái bắp cải, nhưng trẻ con đi học không phải đóng học phí, bệnh nhân vào viện cũng không phải mất tiền chữa trị. Họ được miễn phí hoàn toàn, kể cả tiền mua sách vở và thuốc thang. Ở ta, học phí của học trò, không những không được miễn giảm mà còn nâng lên thành giá phải trả cho quá trình học tập. Việc tính toán sòng phẳng mà thực chất không bao giờ được sòng phẳng mới đáng sợ biết bao!

Theo báo chí chính thống, Bộ Giáo dục luôn luôn đưa ra rất nhiều dự án mà chẳng dự án nào thực sự cho ra hồn. Họ gọi đó là những dự án ngàn tỷ “chết yểu”. Tháng 4/2014, khi trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Bộ GD&ĐT, cần 34.000 tỉ đồng để biên soạn chương trình, sách giáo khoa. Sau đó, giải trình trước hội trường Quốc hội, Bộ trưởng phân bua, cho là do anh em... “khớp” không được chuẩn.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, tiêu hơn chục nghìn tỉ đồng mà xem ra kết quả quá mong manh mà đề án thì đầy tai tiếng. Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ cho ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 sớm chết yểu, 14.000 tỉ đồng cho đề án đi về đâu, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cách đây ít hôm, sau khi bị phản ứng mạnh mẽ, Bộ GD&ĐT buộc phải thu hồi đề án thi THPT quốc gia có kinh phí suýt soát 750 tỉ đồng. Dư luận lại một phen dậy sóng vì kiểu đốt tiền của Bộ Giáo dục mà tôi cũng đã bàn khá kỹ trên tờ báo này.

- Vâng! Quả là rất đáng buồn!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Buồn lắm. Tất cả những ai có lương tri đều rất đau xót. Cũng theo giới truyền thông chính thống, Bộ GD&ĐT không ít lần ngập trong những dự án - đề án từ trăm tỉ, ngàn tỉ, chục nghìn tỉ đồng, ai cũng biết tiền ấy là thuế do dân đóng và vốn vay trong nước và quốc tế. Số tiền “khủng” một đi không trở lại, còn thực trạng giáo dục vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí còn tụt hậu so với những nước nhỏ trong khu vực, chứ đừng nói “sánh vai với các cường quốc 5 châu” như Bác Hồ từng mong muốn. Bây giờ lại định biến những học đường tôn nghiêm thành cái chợ trời. Cũng may nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng bác bỏ! Hãy cứu lấy các em!

- Và cứu cả chúng ta, những người lớn nữa có đúng không? Hình như chính nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng đã viết thế trên báo Tiền Phong từ nhiều năm trước. Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Song Yến (ghi)

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP