Giáo dục

Tự chủ đại học chỉ là mỹ từ!

Trong đề án thí điểm tự chủ, các trường ĐH được quyết định các dự án đầu tư, mua sắm, sửa chữa nhưng thực tế muốn làm gì cũng phải xin phép bộ chủ quản

Sau hơn 3 năm thí điểm đề án tự chủ theo Nghị quyết 77 ngày 24-10-2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập, giai đoạn 2014-2017, bộ mặt các trường đã có những thay đổi. Tuy nhiên, vẫn còn đầy rẫy bất cập, nhất là hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh khiến cho khái niệm tự chủ chỉ là "mỹ từ".

Học phí tăng theo từng năm

Khi thực hiện thí điểm tự chủ, các trường được tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học; tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự; tự chủ về tài chính…

Năm 2015, khi thực hiện thí điểm tự chủ, Trường ĐH Mở TP HCM cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và kinh phí đầu tư. Mức học phí bình quân tối đa của ĐH chính quy được áp dụng lần lượt là 11 triệu, 13 triệu và 15 triệu đồng trong 3 năm học 2014-2015, 2015-2016 và 2016-2017. Đối với sinh viên đang theo học, mức tăng học phí không được vượt quá 30% so với năm liền kề.

Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - một trường đang hoạt động theo cơ chế tự chủ Ảnh: TẤN THẠNH

Tháng 7-2017, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM được thí điểm tự chủ. Mức học phí trước khi trường tự chủ là 8,5-9 triệu đồng/năm, sau khi tự chủ là 13,5 triệu đồng/năm đối với khối ngành kinh tế, tiếng Anh; 15,5 triệu đồng/năm đối với các ngành kỹ thuật công nghệ...

Còn tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM có mức học phí mới bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014-2015 tối đa là 13 triệu đồng/sinh viên/năm; năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm... PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng trước khi thí điểm cơ chế tự chủ, chi phí đào tạo đến từ 2 nguồn: nguồn học phí của sinh viên và nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Khi thực hiện tự chủ, chi phí đào tạo đó hoàn toàn lấy từ học phí của sinh viên.

Đại diện một số trường cho biết việc thí điểm tự chủ không làm cho trường khó khăn trong tuyển sinh mà điểm trúng tuyển còn cao hơn khi chưa tự chủ. Mặc dù mức thu học phí của sinh viên có cao hơn nhưng so với trường tư thục, mức học phí của trường công tự chủ còn thấp hơn nhiều.

Có tiền nhưng làm gì cũng phải xin!

Sau hơn 3 năm thí điểm tự chủ, một số điểm tích cực của mô hình này đã được nhìn nhận.

GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết tự chủ mang đến cho trường nhiều đổi mới mà trong 42 năm công tác ở trường ông chưa từng thấy. Sự phát triển ấy, nếu không có tự chủ, trường sẽ đạt được nhưng phải mất thời gian rất lâu do thiếu nguồn lực đầu tư, đặc biệt phải chờ "cấp phép". Song những thành tựu mà hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM nêu ra chưa phản ánh đầy đủ bởi bất cập lớn nhất của mô hình này là thiếu hành lang pháp lý, văn bản chỉ đạo nhiều khi mâu thuẫn.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường ông là trường thuộc khối sư phạm đầu tiên tự chủ ĐH và nếu không xé rào thì không thể nào có được những kết quả tốt như hiện nay. "Tự chủ hiện nay rất nửa vời, lát cái sàn cũng phải xin phép bộ chủ quản, chẳng khác gì người dân sửa mái hiên cũng phải xin phép" - ông Dũng nói và cho biết thành công nhất của tự chủ ĐH hiện nay là tự chủ về mặt học thuật, còn những vấn đề khác thì đang rất chồng chéo.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết trong trong quyết định phê duyệt đề án thí điểm tự chủ, trường được quyết định các dự án đầu tư, mua sắm, sửa chữa để phát triển cơ sở vật chất nhưng làm gì cũng phải xin phép bộ chủ quản theo Luật Đầu tư công khiến việc đầu tư hết sức khó khăn. Ông Hoàn cho biết sinh viên đóng học phí cao, các em có quyền được học lớp ít sinh viên hơn, phòng có máy lạnh… nhưng trường chưa thể đáp ứng dù có tiền. "Trong buổi đối thoại với sinh viên vừa qua, sinh viên phàn nàn khá nhiều về điều kiện cơ sở vật chất chưa tương xứng với mức học phí các em đóng" - ông Hoàn nêu thực tế.

23 trường thí điểm đổi mới cơ chế

Tính đến tháng 9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 cơ sở giáo dục ĐH, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7-2017).

Tác giả: Huy Lân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP